Làm sao để triệt tiêu vấn nạn này là nội dung loạt bài mà Báo NTNN khởi đăng từ số 86/2013.
Phân bón giả hiện vẫn là nỗi lo hàng đầu của ngành nông nghiệp, nỗi ám ảnh kinh hoàng của bà con nông dân cũng như những nhà sản xuất, kinh doanh phân bón có uy tín.
Ông Đỗ Lần - Chủ tịch Hội ND xã Tâm Thắng (huyện Cư Jut, Đăk Nông) vẫn giữ lại gần 1 tấn phân bón giả của Thabico để nhắc nhở mình nhớ bài học cay đắng đã qua. |
Tiền mất, tật mang
Tại xã Thoại Giang (huyện Thoại Sơn, An Giang), nhiều nông dân dính “quả đắng” khi mua phân bón và thuốc trừ sâu được khuyến mãi” cả ti vi, tủ lạnh, “bèo” lắm cũng là cái điện thoại màn hình cảm ứng của Trung Quốc... “Tôi có 5,5ha lúa, đại lý dỗ ngọt mua trọn gói 8 triệu đồng vật tư/ha thì được thưởng cái tủ lạnh. Tôi bỏ ra hơn 40 triệu mua hàng, dè đâu lúa ra toàn hạt lép. Đi khiếu nại thì đại lý nói họ cũng bị lừa vì ôm cả đống hàng, tiền đã thanh toán cho công ty sản xuất mà hàng thì bán không được” – nông dân Năm Miểu bức xúc khi kể lại vụ việc.
Nhắc đến phân bón giả, người dân trồng hoa ở làng hoa Mỹ Phong (xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) vẫn còn thấy khiếp sợ. Cách đây không lâu, người trồng hoa ở đây đã rơi vào thảm cảnh khi mua phải phân bón kém chất lượng. Tổng cộng có hơn 30.000 giỏ hoa sau khi sử dụng phân bón hiệu Lân Đỏ (do Công ty TNHH Phân bón Vì Dân ở Hóc Môn, TP.HCM sản xuất) đã bị cháy lá, tổng thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Quốc Thanh ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong trồng trên 1.000 chậu hoa bị thiệt hại do sử dụng phân bón này, cho biết: “Vườn hoa nhà tôi đang xanh tốt, nhưng khi sử dụng phân bón Lân Đỏ thì bị cháy lá te tua, thất thu mấy chục triệu đồng”.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như ở Tiền Giang, nhiều nông dân ở xã Hòa Thuận (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) mua thuốc Amistar Top (Thụy Sĩ) về sử dụng cho gần 10ha lúa. Sau đó, lúa bị nghẹn đòng và lép đen làm giảm năng suất từ 15-20%. Cơ quan quản lý thị trường vào cuộc, xác định đây là thuốc Amistar Top giả được tung ra thị trường với thủ đoạn “vỏ thật ruột giả”. Nông dân khiếu nại nhưng thấy khó được đền bù, cuối cùng chấp nhận thua thiệt.
Cứ kiểm tra là phát hiện sai phạm
Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 300 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón. Các vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón nhái nhãn mác các thương hiệu có uy tín. Phân bón kém chất lượng chủ yếu tồn tại ở những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ và đưa về một số vùng sâu, vùng xa ở ĐBSCL, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Đà Nẵng và một số tỉnh khác ở miền Trung, Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy
Tại An Giang, trong năm 2012, kết quả kiểm tra tại 418 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, có đến 158 trường hợp vi phạm. Cơ quan chức năng đã tạm giữ 232 tấn phân bón, 2.997 chai và 515kg thuốc bảo vệ thực vật với trị giá hơn 2 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh vật tư nông nghiệp dỏm ở tỉnh Đồng Tháp cũng đáng lo ngại. Các cơ quan chức năng tỉnh này đã tạm giữ trên 200 tấn phân bón, gần 3.000 chai thuốc bảo vệ thực vật và gần 400 chai phân bón lá kém chất lượng...
Theo lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng, tính bình quân kiểm tra 10 điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp thì có 2 – 3 điểm vi phạm về chất lượng sản phẩm. Địa phương này có gần 700 đại lý lớn nhỏ cung ứng các loại vật tư nông nghiệp nên việc kiểm tra thường xuyên không dễ dàng. Tại Long An, số đại lý và cơ sở kinh doanh phân bón lên đến gần 1.000 điểm.
Thực trạng phân bón giả đã và đang trở nên phổ biến và diễn ra ở rất nhiều tỉnh. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), hình thức vi phạm nhiều nhất là vi phạm về công bố tiêu chuẩn chất lượng; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không có giấy phép sản xuất. Các địa phương có tỷ lệ phân bón giả cao là An Giang với mức 63,6%, Long An 55,5%, Tiền Giang 48%, Vĩnh Long 37%...
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam bức xúc: “Phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của bà con nông dân khi mà cứ mỗi năm trôi qua, vấn nạn này “cuỗm đi” của bà con 40 - 50 tỷ đồng. Những thiệt hại đối với doanh nghiệp như uy tín thương hiệu, hay thiệt hại đối với nông nghiệp, nông dân cũng như lòng tin của người tiêu dùng thì khó đong đếm được”.
Ông Trương Hợp Tác - Trưởng phòng Sử dụng đất và phân bón (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT): Phải thay đổi cơ bản phương thức quản lý
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Việt Nam có trên 500 đơn vị sản xuất phân bón và xấp xỉ 6.000 đơn vị kinh doanh mặt hàng này, cho nên việc kiểm tra, kiểm soát chưa thể làm hết được. Vì vậy, trên thị trường vẫn tồn tại những doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng, thậm chí là phân bón giả. Đây là lực lượng “gây rối” rất nguy hiểm trên thị trường.
Hiện nay, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cùng tham gia quản lý chất lượng phân bón. Bộ Công Thương quản lý chất lượng các loại phân bón vô cơ, Bộ NNPTNT quản lý phân bón hữu cơ. Mỗi bộ có một cách quản lý riêng và không có đơn vị nào thống nhất đứng ra làm đầu mối. Vì vậy, trong quản lý lĩnh vực phân bón đang có sự chồng chéo khiến hiệu quả có nhiều hạn chế. Lực lượng quản lý của Bộ NNPTNT rất mỏng từ T.Ư đến địa phương, bên cạnh đó kinh phí dành cho quản lý rất ít, đội ngũ quản lý ở địa phương không đồng nhất, mỗi tỉnh giao cho một đơn vị khác nhau. Hơn nữa, các cán bộ được phụ trách không chuyên trách và thường xuyên bị thay đổi cho nên việc theo dõi nắm bắt tình hình không được hệ thống, đó là những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý.
Để giải quyết những tồn tại trong công tác quản lý, cần phải thay đổi cơ bản phương thức quản lý, bởi vì phương thức quản lý hiện nay đang theo danh mục. Chúng ta đã có Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn, bây giờ phải quản lý theo quy chuẩn, tiêu chuẩn từng loại phân bón. Một yếu tố rất quan trọng nữa là phải quản lý từ gốc, tức là quản lý được tất cả những nhà sản xuất (có bao nhiêu nhà sản xuất, sản xuất những loại phân bón gì, có đủ điều kiện không...).
Đối với Dự thảo Nghị định quản lý phân bón mà Bộ Công Thương đang soạn thảo, trước hết cần phải đưa sản xuất kinh doanh phân bón là “loại hình sản xuất có điều kiện”. Thứ hai, quản lý phân bón phải thông qua các tiêu chuẩn quy chuẩn. Thứ ba, phải quản lý phân bón từ gốc, phải nắm rõ các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón trên toàn quốc. Chỉ cần ba điều kiện tiên quyết này là có thể quản lý chặt hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón.
Theo dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong hoạt động phân bón mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý, mức xử phạt cao nhất được áp dụng đối với hành vi sản xuất, gia công phân bón giả là từ 120 – 150 triệu đồng; đối với hành vi kinh doanh phân bón giả, mức phạt cao nhất là từ 80 – 90 triệu đồng... Mức xử phạt như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, việc xử phạt chỉ là phần ngọn của vấn đề, cái gốc cuối cùng vẫn là nghị định quản lý phân bón. Làm tốt ở khâu quản lý thì vấn đề phải xử phạt sẽ giảm dần.
Đình Thắng (ghi)
Hữu Danh - Hoàng Mai - Đình Thắng
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn