Nhiều tồn tại Theo thống kê của ngành ngân hàng năm 2012, dư nợ cho vay các tỉnh ĐBSCL liên tục tăng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn của nhiều tỉnh như Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng dư nợ. Lượng vốn cho vay chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, sản xuất lương thực, thu mua lúa gạo, xây dựng hạ tầng ở nông thôn, trong đó dư nợ cho vay cá tra tại ĐBSCL tính đến 30/9/2012 đạt 20.784 tỷ đồng, tăng 14,03% so với cuối năm 2011. Ông Trần Kỳ Lộc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Cà Mau cho biết, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay kinh tế hộ nông dân tại đây chiếm đến 90%. Trong tổng dư nợ cho vay trên 5.000 tỉ đồng, thì riêng Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đã cho vay trên 4.000 tỉ đồng. “Những năm qua, các NHTM trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản với dư nợ trên 1.635 tỉ đồng, số hộ còn dư nợ là 52.000 hộ, diện tích chuyển đổi là 275.088ha”, ông Lộc nói. Thực tế cho thấy, ở nông thôn hiện đang hình thành 2 nhóm đối tượng cần vay vốn: đối với những hộ sản xuất nhỏ lẻ chủ yếu vay những món nhỏ để làm nghề phụ và lo tiền cho con đi học; đối với những hộ đang có hướng mở rộng sản xuất, thường cần khoản vay trên 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi hoặc diện tích hầm ao thả cá. Tuy nhiên, quá trình nông dân đến vay vốn tại ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Tại một số nơi, ngân hàng thường thoả thuận với hộ vay trả lãi hàng tháng bằng cách bớt tiền vay của người dân để chuyển vào tài khoản tiền gửi. Thường thì để vay được 100 triệu đồng, bà con phải chạy rất nhiều “cửa”, lại bị ngân hàng “trừ” ngay 10 triệu đồng lãi hàng tháng, khiến số thực lĩnh chỉ còn 90 triệu đồng. Điều này khiến bà con rất bức xúc mà vẫn phải “ngậm bò hòn làm ngọt”. Mặc dù mạng lưới ngân hàng đã được mở rộng, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đóng vai trò chủ đạo trong việc cho vay kinh tế hộ, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của người dân. Thống kê thấy, lượng vốn đầu tư cho tam nông đến nay mới đáp ứng được 55% nhu cầu, nhưng chủ yếu đầu tư vào xây dựng hạ tầng, khi cần tiền để sản xuất, nông dân vẫn phải đi vay ngoài với lãi suất cao, có nơi phải qua “cò tín dụng”, hoặc phải có chi phí “bôi trơn” thì mới nhanh lấy được tiền vay. Cần nâng mức hỗ trợ lãi suất Thời gian tới, vốn tín dụng ngân hàng càng trở nên cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, theo đó, ngành ngân hàng đã có đề án tiếp tục mở rộng tăng tỷ trọng và ưu tiên các nguồn vốn đầu tư vào thị trường này, với định hướng cụ thể: vốn ngân hàng cho vay đến kinh tế hộ phải bám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế nông - lâm - thuỷ sản của mỗi địa phương và vùng lãnh thổ, nhất là những vùng đang xây dựng cánh đồng mẫu lớn; đầu tư có trọng điểm, trọng tâm kết hợp với chính sách khuyến nông - khuyến ngư - khuyến lâm và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ lãi suất một phần đối với những hộ trực tiếp sản xuất trong các ngành như chè, càphê, cao su, các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày có vòng quay nhanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản (đặc biệt là cá tra) nhằm góp phần tạo ra sản phẩm hàng hoá cho xã hội. Mức hỗ trợ nên từ 30-40% so với mức lãi suất đang cho vay hiện hành. Cơ chế tín dụng của ngân hàng cũng cần được đổi mới theo hướng thông thoáng hơn, không nên bó hẹp, cứng nhắc như hiện nay. Ngoài ra, khi mở rộng tín dụng cho vay đến hộ nông dân, ngân hàng cũng phải có chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với cán bộ tín dụng. Trần Trọng Triết Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn