Theo ông Phan Văn Dũng - Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản (Sở NN&PTNT), nhóm thủy sản thực phẩm sau thu hoạch nói ra thì rất nhiều nhưng tập trung lại vẫn là các mặt hàng vốn quen thuộc bấy lâu như: nước mắm, các loại cá, tôm, mực (cả hàng tươi và hàng khô). Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Vệ sinh An toàn Thực phẩm thủy sản sau thu hoạch, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, tổ chức lấy mẫu phân tích vừa để giúp cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn trực diện hơn, đồng thời giúp các cơ sở sản xuất - kinh doanh nhóm hàng này kịp thời điều chỉnh những thiếu sót và quan trọng hơn cả là để người tiêu dùng nhận biết mức độ an toàn của từng loại mặt hàng.
Cá, mực khô luôn là những mặt hàng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên về các yếu tố gây mất ATVSTP |
Gần đây nhất, Sở NN&PTNT đã ban hành Quyết định 4147/QĐ-SNN ngày 19/11/2012 về việc thành lập đoàn thu mẫu thực phẩm, thủy sản sau thu hoạch với đối tượng là cơ sở chế biến, kinh doanh, còn phạm vi thì tập trung vào một số địa phương ven biển ở Kỳ Anh và Lộc Hà. Sau hơn một tháng tiến hành lấy 19 mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản để phân tích các chỉ tiêu ATVSTP theo quy định, dựa trên các phiếu kết quả thử nghiệm của Trung tâm Chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản Vùng 1, Sở NN&PTNT vừa có Thông báo số 4800/TB-SNN về kết quả của đợt kiểm tra gửi đến các địa phương và các cơ sở lấy mẫu.
Điều mừng là không phát hiện dư lượng kháng sinh cấm Chloramphenylcol, Trifluralin trong các mẫu thủy sản được kiểm tra; vi khuẩn S.aureus, E.coli trong các mẫu được kiểm tra đều ở mức phát hiện <10 (CFU/g) nằm trong giới hạn cho phép; vi khuẩn Salmonella âm tính đối với các mẫu kiểm tra.
Song, kết quả kiểm tra cũng phát hiện hàm lượng Histamin trong mẫu nước mắm lấy tại một cơ sở ở thành phố Hà Tĩnh với mức phát hiện 5.1ml/l và mẫu cá nục gai tại xã Thạch Kim với mức phát hiện 1.0 mg/kg nhưng đều nằm trong giới hạn cho phép; phát hiện dư lượng thủy ngân (Hg) trong 5 mẫu cá với các mức phát hiện từ 0.0213 mg/kg đến 0.156 mg/kg và 1 mẫu mực ống với mức phát hiện 0.0118 mg/kg (tại cơ sở xã Thạch Kim - Lộc Hà), cũng đều nằm trong giới hạn cho phép; phát hiện dư lượng Chì (Pb) trong 4 mẫu cá với mức phát hiện từ 0.007 mg/kg đến 0.0444 mg/kg, nhưng đều nằm trong giới hạn cho phép (0.3 mg/kg); phát hiện dư lượng Cadimi trong 4 mẫu cá với mức phát hiện từ 0.0228 mg/kg đến 0.0444 mg/kg, nhưng cũng nằm trong giới hạn cho phép (0.1 mg/kg).
Với tư cách Trưởng đoàn kiểm tra, ông Phan Văn Dũng khẳng định, tuy chưa có điều kiện mở rộng phạm vi, nhưng các kết quả trên phản chiếu đúng tình hình sản xuất, kinh doanh thủy sản thực phẩm sau thu hoạch tại những địa bàn trọng điểm vốn được quan tâm bấy lâu. Kết quả này ít nhiều được cộng hưởng từ các quá trình kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản vốn được ngành NN&PTNT triển khai thường xuyên qua nhiều năm.
Nói vậy nhưng người phụ trách hoạt động quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản của ngành Sở NN&PTNT cũng không chủ quan khi cho rằng vẫn khó để kiểm soát một cách triệt để do địa bàn kinh doanh mặt hàng này vẫn khá rộng, còn nguồn hàng thì cũng biến động thường xuyên, nhất là mặt hàng cá khô lâu nay thường từ Đài Loan về Việt Nam qua Hải Phòng sau đó bán lại cho các hộ kinh doanh ở Thạch Kim (Lộc Hà) và một số vùng khác để tiêu thụ nội địa. Đó là chưa kể, một số mặt hàng khi đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại thì đã thuộc về sự quản lý của ngành Công thương.
"Với tinh thần loại bỏ các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đạt các điều kiện quy định, đồng nghĩa với việc loại bỏ các sản phẩm hàng hóa vật tư kém chất lượng, sản phẩm nông - lâm - thủy sản gây mất ATVSTP, trong năm 2013 này, ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra lấy mẫu thủy sản thực phẩm theo hướng thống nhất từ xã lên tỉnh, đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền cơ sở", ông Dũng nhấn mạnh.
Hải Xuân
Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn