Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN nhận định như trên khi trao đổi với NTNN.
Cà phê và hồ tiêu là 2 nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông có thể cho biết tình hình xuất khẩu năm nay của 2 mặt hàng này?
- Tính chung 11 tháng qua, tổng lượng tiêu xuất khẩu đạt 110.000 tấn, tương ứng 750 triệu USD (tăng 6,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011). Với cà phê, niên vụ 2011-2012 của Việt Nam ước sản lượng đạt trên 1,6 triệu tấn, xuất khẩu đã đạt mức kỷ lục khoảng 1,5 triệu tấn, thu về 3,1 tỷ USD. So cùng kỳ năm 2011 tăng 23% về lượng và 24% về giá trị. Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu hàng năm chiếm từ 40 - 50% sản lượng thế giới, còn cà phê thì chiếm 70% sản lượng cà phê robusta thế giới, nên có điều kiện để chi phối giá xuất khẩu.
Người trồng cà phê đã chủ động hơn về thời điểm bán sản phẩm. |
Theo ông, còn những vấn đề gì cần quan tâm để củng cố vị thế các nông sản này?
- Chất lượng sản phẩm đang là một vấn đề đáng lo ngại, bởi một số doanh nghiệp nhỏ đã không chú trọng đến vấn đề này, chỉ vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến chất lượng nói chung. Ngoài ra, vấn đề tiêu thụ nội địa vẫn ở mức kém, sự kết nối giữa nhà chế biến - nhà nông - doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo nên dẫn đến tình trạng người nông dân là người “đứng mũi chịu sào” trước những rủi ro từ biến động của thị trường.
Làm sao để giúp nông dân tránh khỏi tình trạng này?
- Những năm trước đây, trước khi vào vụ thu hoạch, nhiều DN nước ngoài để mua được hàng giá rẻ đã tung tin Việt Nam được mùa, thu hoạch sớm, nông dân và DN sẽ phải bán tháo để trả nợ… khiến nhiều người đã ồ ạt bán cà phê, hồ tiêu, làm cho thị trường trở nên phức tạp, xảy ra thừa hàng giả tạo. Đây cũng là mục đích chính của các DN nhằm mua được hàng giá rẻ.
Thêm vào đó, người nông dân phải bán hàng ngay sau khi thu hoạch để tái đầu tư cho niên vụ sau và tiêu dùng dịp cuối năm… khiến cho giá cả giai đoạn này thường đi xuống. Thực tế năm nay, nông dân đã biết tạm trữ thành phẩm cà phê, hồ tiêu và bán nhỏ giọt theo diễn biến giá, nhờ đó ổn định được thị trường và điều tiết được giá cả.
Để nông dân chủ động tạm trữ, cần có cơ chế chính sách nào từ phía Nhà nước?
- Thứ nhất với người có khả năng dự trữ thì nên tạo điều kiện cho người nông dân vay lãi suất ưu đãi. Riêng với người nông dân không có tiền thì nên cho họ gửi hàng và vay tiền lại nhưng chịu lãi suất thấp. Để làm được điều này thì DN và ngân hàng phải phối hợp hỗ trợ cho nông dân. Đây là 2 đề xuất để hạn chế thiệt hại đầu vụ và người nông dân có quyền quyết định giá sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Quốc Hải - Lưu Phan (thực hiện)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn