Suất đầu tư lớn
Tháng 12-2012, Trạm bơm Lễ Nhuế (mới) đưa vào vận hành thì hơn 5.000ha lúa ở miền trung - tây huyện Phú Xuyên được tưới, tiêu chủ động. Với vốn đầu tư 105 tỷ đồng, Trạm bơm Lễ Nhuế được xây mới hoàn toàn, bao gồm các hạng mục công trình đầu mối; nạo vét 21km kênh tiêu; kiên cố hóa hơn 4km kênh tưới; nhà điều hành... Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy lợi sông Nhuệ cho biết, Trạm bơm Lễ Nhuế cũ xây dựng từ năm 1963 với quy mô 14 máy bơm, công suất 1.000m3/h/máy đã không đáp ứng được nhiệm vụ tưới, tiêu hiện nay vì đã xuống cấp, hệ thống kênh tưới, tiêu bị bồi lắng... Công trình mới có quy mô 10 máy bơm hiện đại, công suất 8.000m3/h/máy nên chủ động tiêu cho 3.200ha và tưới hơn 2.000ha của huyện.
|
Kiểm tra chất lượng rau trước khi đưa ra thị trường tại HTX Rau an toàn Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Thái Hiền |
Phú Xuyên là huyện xa trung tâm, kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập của nông dân dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp và phát triển làng nghề. Chính vì vậy, từ khi trở thành một bộ phận hành chính của Thủ đô, Phú Xuyên được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có nhiều công trình thủy lợi quy mô lớn như Trạm bơm Lễ Nhuế, trường học, giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế... được xây dựng đã đem lại niềm vui, niềm phấn khởi cho người dân vùng chiêm trũng. Chủ tịch UBND huyện Chu Phú Mỹ cho biết, từ năm 2008 đến nay, khu vực nông nghiệp, nông thôn của Phú Xuyên đã được đầu tư 1.433,3 tỷ đồng cho 202 dự án, trong đó có 171 dự án đã hoàn thành. "So với giai đoạn 5 năm trước thì giai đoạn 2008-2013 huyện đã nhận được mức đầu tư lớn, bình quân mỗi năm 215,4 tỷ đồng, gấp trên 30 lần so với trước đó" - Ông Mỹ nhấn mạnh. Điều vui mừng nhất với lãnh đạo cũng như người dân trong huyện là vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả, thiết thực vào những lĩnh vực cấp bách, liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống dân sinh. 5 năm qua huyện đã phân bổ 552,8 tỷ đồng xây dựng trường học và đã xóa 606 phòng học tạm, xuống cấp, phòng học nhờ; 615 tỷ đồng hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn; 9 dự án thủy lợi được xây dựng mới; thu nhập của người dân Phú Xuyên nay đã đạt gần 24 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm xuống còn 7,8%...
Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng
Cùng với Phú Xuyên, các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khác như Mỹ Đức, Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hòa... cũng được thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Ba Vì là huyện có khu vực miền núi rộng lớn nhất thành phố nhưng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, nông nghiệp đang được xây dựng khá đồng bộ. Trong 5 năm qua, với tổng nguồn vốn đầu tư từ các nguồn hơn 4.000 tỷ đồng thì lĩnh vực nông nghiệp chiếm 40%; giao thông chiếm 35%, đã nâng cấp được 433km và làm mới 3,53km đường; xây mới 42,4km giao thông nội đồng… Tương tự, huyện Sóc Sơn trong 5 năm qua cũng được đầu tư 2.181,2 tỷ đồng. Với số kinh phí này, hạ tầng kinh tế xã hội của huyện tiếp tục được hiện đại hóa với 115km đường liên xã, 19,4km đường trục thôn, 232km đường ngõ xóm được nâng cấp, sửa chữa; gần 700km đường nội đồng được đào đắp; xây mới 3 trạm bơm, kiên cố hóa 25km kênh mương, 20 trường học, 39 nhà văn hóa, 6 chợ...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, từ năm 2008 đến nay, riêng ngân sách thành phố đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đạt bình quân khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Từ nguồn vốn này, nhiều công trình đã được đưa vào sử dụng như hạ tầng 5 vùng sản xuất rau an toàn; 27 tuyến kè sông dài hơn 30km; 10 trạm bơm tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; khơi thông, kiên cố hóa hàng trăm kilômét kênh mương nội đồng... Theo ông Nhã, tính riêng mức đầu tư của ngân sách thành phố cho các dự án nông nghiệp, nông thôn năm 2008 so với năm 2007 đã tăng khoảng 3 lần; và từ năm 2008 đến nay tăng khoảng 30%/năm. Nhờ vậy, sau 5 năm điều chỉnh địa giới hành chính, nông nghiệp, nông thôn TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 8.727 tỷ đồng, tăng 18,2% so với năm 2008; giá trị sản xuất trên một héc ta canh tác đạt gần 200 triệu đồng/năm, tăng 88%; thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 8,2 triệu đồng/năm lên gần 22 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm; 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; đã có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới...
Ý kiến nhân dân Ông Lê Thành Chung, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức: Mong cán bộ trung ương, thành phố xuống cơ sở nhiều hơn Sau 5 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đời sống người dân vùng sâu, vùng xa của huyện Mỹ Đức đã được quan tâm hơn. Tại xã Hương Sơn, đến nay đã cơ bản hoàn thành các tuyến giao thông liên thôn, đường làng, ngõ xóm. Tuy nhiên, nông dân, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa như xã Hương Sơn vẫn chịu rất nhiều thiệt thòi, đặc biệt là nạn phân bón, giống, thuốc trừ sâu giả tràn lan trong khi việc tiêu thụ nông sản hết sức khó khăn. Đề nghị cán bộ trung ương, thành phố thường xuyên xuống thực tế tại cơ sở, gần dân, sát dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của dân nhằm đưa ra được các quyết sách đúng đắn thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông Lê Anh Kiều - Chủ tịch UBND xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ: Lợi ích từ dồn điền đổi thửa Xã Trần Phú nằm phía tây nam huyện Chương Mỹ, là xã bán sơn địa thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ rừng ngang, địa hình ruộng đất không bằng phẳng, chớm mưa đã úng, chưa nắng đã hạn nên sản xuất nông nghiệp hết sức khó khăn. Sau khi hợp nhất về Hà Nội, xã được thành phố hỗ trợ rất lớn về kinh phí cũng như định hướng, đặc biệt là chương trình hỗ trợ về dồn điền đổi thửa. Đến nay, Trần Phú đã cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh cho giá trị kinh tế cao. Hiện toàn xã có 152 mô hình trồng cây ăn quả tập trung với quy mô từ 30ha trở lên; 24 hộ chuyển đổi sang mô hình lúa cá, gần 30 hộ chuyên sản xuất cá tại các vùng trũng đã quy hoạch. Sau khi dồn điền đổi thửa, các hộ gặp nhiều thuận lợi trong quá trình sản xuất cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chi phí lao động giảm, thu nhập tăng lên rõ rệt... Nhóm PV Nông nghiệp - Nông thôn |