Một số huyện trong tỉnh đã bắt đầu hình thành các vùng chuyên canh tiêu như: Xuân Thọ, Suối Cao (huyện Xuân Lộc), Thanh Bình, Cây Gáo (huyện Trảng Bom), Lâm San (huyện Cẩm Mỹ).
Nguyên nhân diện tích trồng tiêu tăng là do Đồng Nai xác định đây là một trong 6 loại cây trồng chủ lực của tỉnh, những diện tích trồng mới, thâm canh được tỉnh hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm… Ngoài ra, giá tiêu trên thị trường trong 2 năm trở lại đây liên tục tăng cao cũng góp phần đưa diện tích trồng tiêu tăng nhanh. So với một số loại cây trồng khác như cây điều, cây sắn đã không được mùa lại liên tục rớt giá thì cây tiêu vẫn là cây trồng được nhiều nông dân trong tỉnh lựa chọn.
Để có vùng chuyên canh lớn sản xuất theo hướng hàng hóa, tỉnh Đồng Nai đã có những chính sách hỗ trợ phát triển như: hỗ trợ giống và một phần phân bón trong 4 năm liền với những diện tích trồng mới, các vườn tiêu thâm canh được hỗ trợ kinh phí mua vật tư nông nghiệp trong 3 năm liền...
Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Vì cây tiêu là cây chủ lực nên hàng năm trung tâm đều phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình thí điểm cho năng suất cao. Sau đó, Trung tâm tổ chức hội thảo mời nông dân trong tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng. Hiện nay, ở một số huyện đang từng bước hình thành vùng chuyên canh tiêu cho năng suất cao và số hộ có năng suất tiêu đạt 5-7 tấn/ha/năm ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Xứng - Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), Xuân Thọ là vùng sản xuất tiêu tập trung với tổng diện tích khoảng trên 400 ha nhưng do chưa có thương hiệu nên giá tiêu thường bấp bênh, chất lượng cây tiêu cũng chưa được bảo đảm. Chính quyền địa phương và bản thân người trồng tiêu rất mong cơ quan chức năng giúp xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị cây tiêu của địa phương.
Ông Bùi Xuân Khôi, Giám đốc Trung tâm cây ăn quả Đông Nam Bộ cho biết: Với những điều kiện về phát triển nông nghiệp ở Đồng Nai thì để xây dựng thương hiệu là không khó, bởi Đồng Nai cũng đã hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất tập trung. Điển hình như với cây tiêu ở huyện Xuân Lộc, mặc dù diện tích chỉ khoảng 1.400 ha, nhưng hiệu quả khá cao, hiện nông dân vẫn đang mở rộng diện tích. Song cũng cần phải tránh rủi ro về sâu bệnh, giải quyết tốt khâu sau thu hoạch và chuỗi cung ứng.
Ông Khôi đề nghị, Đồng Nai nên xây dựng chứng chỉ Global Gap cho cây tiêu để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường thế giới.
Lê Hiền (TTX)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn