Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho biết, như vậy, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đã tăng 327 xã so với hồi tháng 5 khi Chính phủ thực hiện sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, bình quân các xã đạt 9,64 tiêu chí/xã, cuối năm nay sẽ đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí so với năm 2010.
Cả nước đã có 42,38% số xã đạt tiêu chí về thu nhập, 64,16% số xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, 34% xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 71,80% số xã đạt tiêu chí về điện, 87,52% đạt an ninh trật tự xã hội...
Tiến sĩ Hồ Xuân Hùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cố vấn của Chương trình cho biết, sau Hội nghị sơ kết 3 năm, nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương trước đây trì trệ trong triển khai đã chủ động vào cuộc khi thực hiện Chương trình. “Các nội dung nông thôn mới, làng văn hóa luôn gắn với đại hội, hội nghị của các cấp”, ông Hùng nói.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 157.814,170 tỷ đồng. Trong đó vốn Nhà nước là 5.255 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng nguồn vốn; vốn lồng ghép chiếm 15%, 13% là ngân sách địa phương, 54,9% là vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp hỗ trợ chiếm 3,71%, còn dân cư đóng góp tương ứng với 11,45%.
Năm nay, cũng là năm đầu tiên Chương trình được thực hiện bằng việc bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết của Quốc hội (khoảng 5.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với những năm trước), nhằm tạo động lực hơn nữa cho nhân dân cả nước tham gia xây dựng nông thôn mới.
Các tỉnh, thành phố đều ưu tiên đầu tư từ trái phiếu Chính phủ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã điểm đăng ký về đích. Tính đến hết tháng 8-2014, các tỉnh được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã thực hiện được 1.906 tỷ đồng (40% kế hoạch) và đến hết năm nay sẽ bố trí 100% số vốn TPCP được giao.
Chỉ với 21,60% số xã đạt tiêu chí về giao thông (thấp so với nhiều tiêu chí khác), các địa phương dùng nguồn TPCP tập trung chủ yếu nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn. Đầu tư nhiều nhất là giao thông (48,12%), cơ sở vật chất văn hóa (17%)... Đầu tư hỗ trợ sản xuất là gần 30 tỷ đồng (0,75%).
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, bên cạnh hỗ trợ từ Nhà nước, nhiều địa phương đã chủ động vận dụng, ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù để tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, địa phương hỗ trợ lãi suất mua máy móc nông nghiệp phát triển sản xuất theo dự án nông thôn mới, hoặc ứng dụng công nghệ cao ở Thái Bình, An Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh... Tính bình quân 1 đồng Nhà nước bỏ ra thu hút 12,7 đồng đầu tư từ người dân. Riêng TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 100% lãi suất mua bò sữa, trồng hoa, rau sạch - tính ra 1 đồng vốn hỗ trợ thu hút 30 đồng dân bỏ ra đầu tư.
Việc các tỉnh như Nam Định (thưởng 1 tỷ đồng/xã đạt chuẩn), Thanh Hóa thực hiện khen thưởng các xã về đích... đã khuyến khích các xã phấn đấu rất mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết nguồn vốn ngân sách bố trí cho chương trình còn thấp so với nhiệm vụ và mục tiêu đề ra (20% tổng số xã trên cả nước đạt 19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015); đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Tại một số ít địa phương xảy ra tình trạng nợ xây dựng cơ bản lớn, huy động sức dân quá mức và chạy theo thành tích...
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn