Sau khi công bố chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ từ đầu năm 2014 với 3 hướng lĩnh vực ưu tiên: Cơ sở hạ tầng, năng lượng và nông nghiệp, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã lập tức vào cuộc. Ngay từ đầu năm, một số thông tin về việc “đại gia Phố núi" lấn sân sang lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao đã bắt đầu rò rỉ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn này mới chính thức lên tiếng công bố về dự án hơn 11,000 tỷ của mình tại khu vực Tây Nguyên.
Ông Bùi Pháp công bố chiến lược tái cấu trúc tại Đại hội cổ đông 2014
Bắt tay Vinamilk, liên kết Delaval
Theo thông tin chính thức từ phía Đức Long Gia Lai, Tập đoàn này sẽ đầu tư các trang trại bò sữa quy mô lớn với 80,000 con bò sữa, 45,000 con bò thịt với tổng mức đầu tư dự án lên đến 11,000 tỷ đồng bao gồm các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng cỏ, chuồng trại, con giống và nguồn nhân lực... Dự án sẽ nhập toàn bộ giống bò sữa thuần chủng có chất lượng và năng suất cao nhất Holstein Friesian (HF) trực tiếp từ Úc, Mỹ và một phần của Vinamilk (VNM), giống bò thịt sẽ được nhập từ Australia với đặc tính thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới. Bước đầu, dự án tập trung đầu tư tại 3 tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai. Mặc dù với số lượng 80,000 con bò sữa, 45,000 con bò thịt, nhu cầu sử dụng đất chỉ khoảng 7,500 – 8,000 ha, tuy nhiên, ngoài diện tích hàng ngàn ha đất có sẵn, Đức Long Gia Lai tiếp tục được 3 tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai chấp thuận chủ trương cho phép khảo sát diện tích đất lên đến 20,000 ha. Theo đó, tại tỉnh Đăk Nông, Tập đoàn sẽ tiến hành khảo sát ở 6 huyện Krông Nô, Đăk Mil, Cư Jut, Đăk Song, Đăk Glong và Tuy Đức, ở tỉnh Đăk Lăk, Đức Long Gia Lai được phép khảo sát trên 4 huyện Krông Năng, Cư M’gar, Ea Kar, M’Drăk và huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết: “Với nhu cầu đất chỉ 7,500-8,000 ha, nhưng chúng tôi xin được khảo sát trên 20,000 ha vì dự án chăn nuôi bò sữa rất kén đất, những khu vực được chọn phải đảm bảo đủ 6 tiêu chí đất phục vụ cho dự án như: Có đường giao thông thuận tiện, đường điện đảm bảo, mạch nước ngầm và hồ nước để xử lý phân, địa hình, nhiệt độ phù hợp và xa khu dân cư. Để đảm bảo lựa chọn đúng khu vực đất đảm bảo các tiêu chí, phù hợp với dự ăn chăn nuôi quy mô lớn này, chúng tôi cũng tiến hành hợp tác khảo sát với Tập đoàn hàng đầu thế giới về giải pháp chuồng trại Delaval (Thụy Điển). Vì vậy, chúng tôi tin tưởng những khu vực được chọn là hoàn toàn thích hợp theo đúng tiêu chuẩn quốc tế”.
Được biết, trong suốt thời gian vừa qua, Đức Long Gia Lai đã tìm kiếm đối tác chiến lược trong và ngoài nước cho dự án chăn nuôi quy mô lớn này. Đến nay, Đức Long Gia Lai đã đạt được thỏa thuận chính thức với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) trên lĩnh vực nhập con giống, chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, đào tạo kỹ sư, bao tiêu toàn bộ sản phẩm và Delaval - Tập đoàn hàng đầu thế giới về giải pháp chuồng trại cùng với sự hỗ trợ từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia súc lớn Bình Dương. Ông Bùi Pháp khẳng định: “Với sự hỗ trợ tích cực từ ba công ty uy tín này, đầu quý I/2015, đàn bò thịt đầu tiên sẽ về đến các trang trại của Đức Long tại 3 tỉnh và quý II sẽ đón đàn bò sữa đầu tiên. Như vậy, từ đây đến cuối năm, chúng tôi khẩn trương tiến hành xây dựng, hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án để đảm bảo chất lượng chuồng trại, nguồn thức ăn khi đàn bò về đến trang trại”.
Cơ giới hóa đồng cỏ và cây nông nghiệp
Để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho đàn bò và phủ xanh đất trống đồi trọc, đất hoang hóa tạo môi trường xanh bền vững tại các vùng dự án, Tập đoàn Đức Long Gia Lai triển khai hệ thống đồng cỏ và cây nông nghiệp ngắn ngày canh tác hoàn toàn bằng cơ giới hóa. Các giống cỏ sẽ được nhập khẩu để canh tác, kết hợp với một số giống cỏ đã được lai, thuần hóa nội địa…Cùng với đó, Tập đoàn này cũng tiến hành xây dựng các nhà máy chế biến nông sản đặt tại các huyện Krông Nô,Đăk Mil, Tuy Đức tỉnh Đăk Nông, huyện Krông Năng, Ea Kar tỉnh Đăk Lăk và huyện Chư Pưh tỉnh Gia Lai. Các nhà máy với hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại của hãng Buhler, Thụy Sỹ với công suất mỗi nhà máy khoảng 300 tấn/ngày sẽ tạo ra nguồn thức ăn dự trữ dồi dào cho dự án chăn nuôi của Đức Long Gia Lai và đóng góp một phần thiếu hụt thức ăn gia súc cả nước hiện nay.
Đại diện Đức Long Gia Lai cho biết thêm, ngoài chế biến các sản phẩm nông nghiệp của Công ty, các nhà máy sẽ thu mua thêm các loại nông sản từ nông dân để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của các trang trại và phục vụ nhu cầu trong nước. Hoạt động này của Đức Long Gia Lai có ý nghĩa hết sức thiết thực trong công tác khuyến nông, tạo ra công ăn việc làm tại chỗ cho hàng ngàn hộ nông dân bằng cách khai thác các quỹ đất manh mún mà họ đang bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả.
Trong giai đoạn nguồn cung nguyên liệu phục vụ chăn nuôi ở nước ta như bắp, đậu nành… hàng năm vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn bắp, đậu nành, bã đậu nành, đậu tương… với giá lên tới 2 tỷ USD/năm, ngành thức ăn chăn nuôi đứng trước nhiều thách thức thì chiến lược phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn của Đức Long Gia Lai cần được khuyến khích, ưu đãi tạo bước chạy đà và đóng góp cho ngành thức ăn chăn nuôi trong nước phát triển trong tương lai.
Theo kế hoạch được HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai đề ra tại Đại hội cổ đông 2014, chiến lược phát triển nông nghiệp quy mô lớn này mới chỉ là một phần trong chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ mà Tập đoàn đang gấp rút thực hiện. Trong thời gian tới, những mảng đầu tư mới mẻ với kế hoạch dài hạn của Đức Long Gia Lai sẽ tiếp tục được hé lộ.
Minh An
Nguồn vietstock.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn