Với mục đích giúp nông dân tìm hiểu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng lúa, tiến tới hình thành vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, vụ chiêm xuân 2015, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã xây dựng mô hình trình diễn “Cải tạo đất và thâm canh lúa chất lượng cao” tại xóm Tre Thị.
Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trạm đã phối hợp chặt chẽ với UBND xã Trung Bì, thôn Tre Thị cùng với khuyến nông viên tổ chức chuyển giao kỹ thuật gieo mạ theo phương thức gieo mạ khay; kỹ thuật làm đất; kỹ thuật cấy; bón phân (gồm phân chuồng hoai mục, phân lân nung chảy, phân nén nhả chậm); kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho các hộ dân tham gia mô hình. Phương pháp chuyển giao kết hợp lý thuyết với thao tác trên hiện trường...
Qua kết quả thực hiện mô hình thấy, việc cải tạo đất bằng phân lân nung chảy và bón phân viên nén nhả chậm thay cho bón vôi và lân Supe, phân đơn thường sử dụng, làm mạ khay thay cho mạ dược trên thực tế không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của lúa, mà còn mang lại nhiều lợi ích như:
Sử dụng phân lân nung chảy bón được ngay sau khi làm đất thay cho việc phải bón vôi trước 30 ngày khi làm đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng vụ sản xuất trong năm. Phân lân nung chảy ngoài việc cung cấp lân cho cây, trong thành phần còn có nguyên tố CaO (vôi củ) có tác dụng khử chua, giải phóng độc tố, hạn chế mầm bệnh trong đất. Kết quả thấy, trên diện tích mô hình chưa phải sử dụng đến thuốc BVTV, trong khi các thửa ruộng đối chứng đã phải sử dụng. Ruộng mô hình có mức độ nhiễm sâu, bệnh thấp hơn, năng suất lúa cao hơn.
Sử dụng mạ khay: Do nguồn nguyên liệu để gieo mạ đã được xử lý và cung cấp đủ dinh dưỡng nên mạ phát triển tốt, không có nguồn bệnh. Ngoài ra, việc sử dụng mạ khay không tốn diện tích chuyên phải làm mạ, là tiền đề cho việc đưa cơ giới hóa trong khâu cấy lúa, nhằm giảm gánh nặng cho người sản xuất.
Sử dụng phân nén nhả chậm giảm được chi phí lao động do phương pháp bón phân đơn phải bón nhiều lần/vụ. Khắc phục được tình trạng bón phân không cân đối, bón phân không đúng lúc, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng, ruộng khô hạn kéo dài không thể bón phân khi ruộng bị hạn, làm giảm tác dụng của phân và khả năng sinh trưởng của lúa. Hạn chế được cỏ dại do bón phân sâu, rễ cỏ ít có điều kiện cạnh tranh phân bón với cây lúa. Giảm chi phí trong sản xuất không những về công lao động mà ngay cả phân bón cũng giảm do phân viên nén nhả chậm hạn chế được sự rửa trôi.
Về hiệu quả kinh tế: Năng suất bình quân cao hơn 16,9 tạ/ha so với phương pháp canh tác hiện nay, thu nhập của người sản xuất cũng tăng gần 10 triệu đồng/ha.
Bà Bùi Thị Yến, một trong những hộ tham gia mô hình phấn khởi nói: “Hàng năm chúng tôi vẫn cấy giống lúa BC15 nhưng làm theo cách truyền thống. Năm nay được tham gia mô hình cấy lúa có sử dụng phân nén nhả chậm thấy có nhiều thuận lợi như: Làm cỏ thuận lợi, tiết kiệm thời gian, hạn chế sâu bệnh. So với ruộng đối chứng thì ruộng thực hiện theo kỹ thuật của mô hình đạt năng suất cao hơn nên chúng tôi rất phấn khởi và mong muốn có thêm nhiều mô hình như thế nữa”.
Ông Bùi Văn Thường, Phó chủ tịch UBND xã Trung Bì, cho biết: “Hiệu quả của mô hình là cơ sở để Đảng ủy, UBND xã Trung Bì tiếp tục vận động, tuyên truyền để mở rộng diện tích sản xuất trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng lúa, nâng cao thu nhập cho người dân, tiến tới hình thành vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao”.
Theo: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn