Không để lợi dụng tăng giá dây chuyền theo giá xăng, điện
Bộ Tài chính đề nghị hạn chế các hiện tượng lợi dụng việc tăng giá điện, giá xăng dầu để tăng giá dây chuyền, không phù hợp với tỷ lệ tác động của giá điện, xăng dầu vào giá thành sản phẩm hàng hoá.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, mặc dù là thời gian Tết Nguyên đán nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, tăng cường quản lý, bình ổn thị trường nên giá cả thị trường cơ bản ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2015 chỉ tăng nhẹ 0,34% so với cùng kỳ năm trước (tháng 2/2014), giảm 0,25% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân hai tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,64%.
Tuy nhiên, trong tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho điều chỉnh giá điện tăng bình quân 7,5%; giá xăng dầu cũng được liên Bộ Công Thương – Tài chính cho điều chỉnh tăng khoảng 4,7 - 10% theo diễn biến giá xăng dầu thế giới có thể gây tác động nhất định đến chi phí sản xuất, giá thành và giá bán một số hàng hóa, dịch vụ.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tăng cường bình ổn giá trên địa bàn nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP. Đồng thời, hạn chế các hiện tượng lợi dụng việc tăng giá điện, giá xăng dầu để tăng giá dây chuyền, tăng giá không phù hợp với tỷ lệ tác động của giá điện, xăng dầu vào giá thành sản phẩm hàng hoá.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa, gas, cước vận tải… và kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố có biện pháp thích hợp để bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều năng lượng điện, nhiên liệu xăng dầu phấn đấu cải tiến công nghệ, áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động... để giảm giá thành, hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu đến giá bán sản phẩm.
Giám sát chặt chẽ việc kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; rà soát định mức và đơn giá các yếu tố hình thành giá, đánh giá tình hình thị trường và tác động của tăng giá điện, xăng dầu đến giá thành và giá bán sản phẩm đầu ra, dừng các trường hợp kê khai tăng giá bất hợp lý không do tác động trực tiếp hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu vừa qua.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ phương án giá hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá; sản phẩm, dịch vụ chi từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả và không vượt dự toán đã được giao.
Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trước hết là đối với những mặt hàng thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, gas…
Xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tăng giá đối với mặt hàng không chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu và các trường hợp vi phạm quy định hiện hành về quản lý giá, quản lý thị trường khác theo quy định.
Theo Thời báo tài chính VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn