Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Kim Khoa chủ trì phiên họp.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã trình bày Báo cáo tóm tắt về trách nhiệm của lực lượng công an trong bảo đảm TTATXH ở khu vực nông thôn. Theo Báo cáo của Bộ Công an, tình hình tội phạm hình sự khu vực nông thôn diễn biến phức tạp, nổi lên là tội phạm trộm cắp tài sản như xe máy, gia súc, gia cầm… chiếm hơn 40% số vụ phạm pháp hình sự.
Nhiều băng nhóm tội phạm trộm cắp hoạt động trên địa bàn rộng, có sự liên kết hình thành đường dây liên huyện, liên tỉnh; có băng nhóm tội phạm trộm cắp chuyên nghiệp, gây ra hàng trăm vụ. Đáng chú ý, thời gian qua nổi lên tình trạng trộm chó ở khu vực nông thôn, do bức xúc nên người dân “tự xử’ gây thương tích, thậm chí gây chết người. Nguyên nhân tội phạm hình sự tại địa bàn nông thôn thường chỉ bắt nguồn từ mâu thuẫn xã hội, gia đình.
Về tội phạm kinh tế, nổi lên là tội phạm vi phạm về khai thác và bảo vệ rừng, buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất buôn bán hàng giả. Sai phạm trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Tình hình tội phạm ma túy khu vực nông thôn diễn biến phức tạp, nhất là tại một số khu vực biên giới và vùng phụ cận Sơn La, đối tượng hoạt động tinh vi, manh động, xâm nhập trái phép biên giới có sử dụng vũ khí để vận chuyển ma túy vào nội địa.
Bộ Công an cho biết: Tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội khu vực nông thôn cũng diễn biến phức tạp nhất là cháy nổ, tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc có dấu hiệu phát triển, ngày càng có nguy cơ tăng cao, nhiều vụ đánh bạc quy mô lớn. Lực lượng Công an xã đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn (giải quyết trên 80% các vụ việc về an ninh, trật tự trên địa bàn); nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, kế hoạch và bảo đảm an ninh trật tự địa bàn cơ sở; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.
Số lượng, chất lượng đội ngũ Công an xã thiếu ổn định, thường xuyên có biến động, hoạt động kiêm nhiệm; công tác quy hoạch, tuyển chọn, bố trí sử dụng lực lượng Công an xã còn nhiều bất cập, điều kiện, cơ sở vật chất, nơi làm việc của Công an xã một số nơi chưa đảm bảo; chế độ, chính sách còn hạn chế, không đủ để phục vụ hoạt động. |
Tại buổi làm việc chiều nay, các đại biểu QH thành viên của Ủy ban đã đặt câu hỏi liên quan tình hình, kết quả, nguyên nhân, giải pháp phòng, chống tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy ở khu vực nông thôn. Tình hình, kết quả, nguyên nhân, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các tai nạn, tệ nạn xã hội như cháy nổ, giao thông, đánh bạc, ma túy, mại dâm... ở khu vực này.
Các đại biểu cũng đã cho ý kiến đánh giá thực trạng hoạt động của lực lượng Công an xã và các lực lượng tham gia phối hợp bảo đảm TTATXH ở khu vực nông thôn; nguyên nhân và giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém của lực lượng Công an xã hiện nay.
Một số ý kiến đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Nội vụ đề nghị Quốc hội xây dựng Luật Công an xã, thay thế cho Pháp lệnh Công an xã hiện hành để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn.
Các đại biểu bộ, ngành cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở trong chỉ đạo và điều hành công tác bảo đảm TTATXH và công tác phối hợp giữa các lực lượng trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc ở cơ sở.
Từ đó, thực hiện đạt kết quả tốt hơn nữa trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong lĩnh vực bảo đảm TTATXH ở khu vực nông thôn.