Không phải tự nhiên có những ý kiến nhận xét: Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành nông nghiệp đã “trượt dốc” trong suốt 15 năm qua.
Cách đây 15 năm, thu hút FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp đạt “đỉnh” khi chiếm tới 15% tổng vốn FDI của cả nước, gần đây liên tục giảm sút. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến tháng 8/2014, có 512 dự án FDI trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm 3,03% trong tổng số 16.910 dự án FDI và 1,4% trong tổng vốn đăng ký 243 tỷ USD. Bình quân mỗi năm ngành nông nghiệp chỉ có khoảng 20 dự án FDI với số vốn đăng ký xấp xỉ 130 tiệu USD.
Chứng kiến dòng vốn FDI “chảy yếu” vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, quan sát các dự án đã và đang triển khai, rất dễ thấy nhiều điều quan ngại.
Chất lượng của các dự án FDI chưa cao, phần lớn có quy mô nhỏ, lại phân bổ không đồng đều. Trồng rừng và chế biến gỗ chiếm khoảng 78% tổng vốn FDI; chế biến nông sản, thủy sản thu hút vốn FDI rất khiêm tốn. Đặc biệt, đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, kết cấu hạ tầng ở nông thôn yếu kém; sản xuất nông nghiệp chủ yếu là quy mô nhỏ, phân tán, thiếu tính liên kết, chưa tạo được sức thu hút đầu tư lớn với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI...
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cho đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược, định hướng dài hạn thu hút vốn FDI, đưa ra những dự án cụ thể cần ưu tiên đầu tư, nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng lớn về nông, lâm, ngư nghiệp đến từ các nước có trình độ phát triển cao như Hoa Kỳ, Canada, Australia, châu Âu.
Tuy nhiên, GS.Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài- lại có ý kiến khác: Xét về lâu dài, Việt Nam muốn phát triển nông nghiệp toàn diện nên dựa vào sức của chính mình.
Đó là nguyên lý không thể phủ nhận. Thế nhưng, trong thực tế có rất nhiều câu hỏi đặt ra: Vì lẽ gì Hoàng Anh Gia Lai phải lặn lội sang tận Campuchia, Lào để trồng mía, ngô, cao su? Tại sao nhiều công ty sản xuất đường vất vả sang Campuchia trồng mía?... Vì thiếu quỹ đất cho doanh nghiệp Việt làm nông nghiệp ngay trên đất nước mình, hay chính sách khuyến khích chưa hợp lý, pháp luật chưa phù hợp thực tiễn? Doanh nghiệp Việt sức lực có thừa mà còn như vậy huống chi doanh nghiệp nước ngoài?
Câu trả lời phụ thuộc vào một điều tối quan trọng: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.
Trần Phương
theo baocongthuong