Ông Lê Nam, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã nói như vậy.
PV: Chỉ còn vài ngày nữa kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sẽ kết thúc. Được biết, trước khi diễn ra kỳ họp gần 3 tháng, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa dự định phản ánh vấn đề nông dân bỏ ruộng tại kỳ họp. Đến nay vấn đề này đã được báo cáo Quốc hội chưa, thưa ông? Chúng được các đại biểu quan tâm tới mức nào?
Ông Lê Nam: Chúng tôi chưa gửi báo cáo tới Quốc hội. Họp xong tôi sẽ về xem lại để hoàn thiện, kết thúc đợt giám sát tôi sẽ ký văn bản báo cáo rồi gửi Quốc hội.
PV: Vì sao các đại biểu Thanh Hóa lại muốn đưa vấn đề nông dân bỏ ruộng lên bàn nghị sự Quốc hội?
Ông Lê Nam: Hiện tượng người nông dân bỏ ruộng diễn ra ở nhiều tỉnh chứ không chỉ riêng ở Thanh Hóa. Đó là xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, thu nhập của người nông dân quá thấp, càng làm càng lỗ. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, người nông dân tính rất cụ thể: một sào ruộng thu được mấy tạ thóc, tính giá thị trường trừ đi tiền đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, giống má, thuê máy móc... cuối cùng là bị lỗ.
Thứ hai, công nghiệp phát triển, người ta đi làm các ngành nghề công nghiệp, ra đô thị lao động tự do hiệu quả cao hơn làm nông nghiệp. Làm công nhân may, osin, cửu vạn... tuy vất vả nhưng có đồng tiền. Thu nhập cao hơn làm nông, dễ lựa chọn, tìm kiếm hơn trước đây thúc đẩy người nông dân hướng về lao động công nghiệp và lao động dịch vụ.
Nhưng đáng bao động là họ cung cấp cho đô thị một lao động dịch vụ chất lượng thấp, sản sinh cho đô thị "công dân loại 2" - ở thành phố nhưng là công nhân, không hộ khẩu, không ổn định, không chịu sự quản lý của chính quyền, không gắn bó với thiết chế xã hội nên bản thân họ và con em họ không được hưởng các chính sách mà người dân ở các đô thị đang được hưởng.
Ruộng của bà con nông dân xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa bỏ hoang cho cỏ mọc nhiều năm nay |
Thứ ba, nông dân chịu rất nhiều rủi ro, chịu sự tấn công của các tệ nạn, tiêu cực, gian dối... kéo dài nhiều năm nhưng họ không được bảo vệ. Người nông dân rất yếu ớt trong việc chống đỡ và không ai giúp đỡ họ, Nhà nước không có giải pháp nào hiệu quả bảo vệ họ trước sự tấn công đó.
Thứ tư, có một bộ phận người dân không cần ruộng nữa, nhưng luật pháp không cởi mở, không có cơ chế pháp lý để xử lý câu chuyện này.
Thứ năm, công tác quản lý nhà nước quá nhiều bất cập. Chính sách của Việt Nam rất lạc hậu, nông nghiệp thiên về phát triển sản lượng. Có giai đoạn chúng ta khao khát sản lượng, tự hào về sản lượng nhưng giá trị lại rất thấp và mất cân đối trong cơ cấu nông nghiệp đến mức rất buồn cười trong nhiều năm nhưng không ai xử lý.
Ví dụ: tiền xuất khẩu gạo hoành tráng như thế nhưng chỉ bằng một nửa tiền nhập đậu tương và ngô.
Đây là vấn đề thuộc về sự điều phối chiến lược của Nhà nước. Chúng ta cứ nói nhiều đến cái căn bản để thay đổi được ngành nông nghiệp nhưng chính sách của Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề về mặt chiến lược lại không xử lý được, để nó lạc hậu và tồn tại, chỉ có người nông dân phải hứng chịu thua thiệt.
Có những chính sách rất buồn cười, ví dụ như chính sách giữ đất lúa. Khi chúng tôi về tiếp cận với người dân, người ta nói, 1 sào ruộng được hỗ trợ 15.000 đồng. 15.000 đồng ấy chẳng có tác dụng gì.
PV: Không chỉ có gạo, liên tiếp các mặt hàng nông sản khác từ cao su, ớt đến vải, dưa hấu, xoài, thanh long... rồi thủy sản như tôm bị rớt giá thảm hại, người dân phải bán đổ bán tháo, nuốt nước mắt chặt cây, vứt bỏ sản phẩm của mình dù họ đã đổ rất nhiều tiền bạc, công sức vào đó. Nguyên nhân của tình trạng này là gì, thưa ông?
Ông Lê Nam: Như tôi đã nói ở trên, cái này do cơ chế, chiến lược. Chính sách của chúng ta không dự báo được nên không thể chủ động. Cũng là con cá ngừ người Nhật bán được 10 đồng nhưng Việt Nam chỉ bán được 1 đồng. Hay như giống lúa, cứ nói thế thôi nhưng phần lớn phụ thuộc giống lúa Trung Quốc.
PV: Nông sản rớt giá thảm hại có phải do chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc, bây giờ họ ngừng nhập khẩu là chúng ta "chết"?
Ông Lê Nam: Chúng ta sẽ không "chết", tức khắc sẽ có cơ hội thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phải tìm lối ra. Lâu nay Việt Nam cứ bị như thế và gần như chấp nhận câu chuyện đó quá dễ dãi, thậm chí tưởng như đó là thế mạnh.
Tất nhiên, mặt tốt là thị trường Trung Quốc rộng lớn, dễ tính. Mấy hôm vừa rồi giá gạo nhích lên một chút bởi lẽ thị trường Trung Quốc mở cửa ra hút gạo Việt Nam vào. Đó cũng có thể là một sách lược trong điều phối của họ. Nhưng nếu Việt Nam cứ phụ thuộc vào một thị trường, không phải chỉ mình Trung Quốc, mà không hướng tới nền sản xuất bền vững thì lúc nào cũng chịu cực và vẫn là kẻ lép vế.
PV: Không dừng ở đó, nhiều thương lái Trung Quốc vào Việt Nam mua những mặt hàng nông sản quái dị, từ ốc bươu vàng, phân trâu, đuôi trâu đến rễ sim, đỉa, lá điều rụng... Người dân đương nhiên thấy lợi là bán. Thương lái Trung Quốc còn mượn tay thương lái Việt Nam thu gom các mặt hàng dị biệt khiến họ bán hết tài sản gom hàng chờ Trung Quốc mua nhưng rồi thương lái Trung Quốc sau đó biến mất. Rất nhiều lần người nông dân đã cả tin dại dột sập bẫy thương lái Trung Quốc như vậy. Ông lý giải chuyện sập bẫy nhiều năm thế này như thế nào? Đằng sau hành vi mua bán này là gì?
Ông Lê Nam: Những việc này lâu nay người ta đã nói nói nhiều nhưng nó vẫn cứ lặp lại. Đây là một vấn đề thuộc về an ninh kinh tế. Tôi không nghĩ cái này thuộc về chủ trương của nhà nước Trung Quốc. Trung Quốc là đất nước có nền văn hóa lâu đời, đó có thể là một bộ phận người dân Trung Quốc lợi dụng sự sơ hở, lỏng lẻo của Việt Nam trong quản lý nhà nước. Do quản lý nhà nước của Việt Nam kém nên để xảy ra tình trạng này.
PV: Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN, tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua hàng loạt nông sản giá cao sau đó bỏ bom như ở Việt Nam không có ở các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan. Ông nhìn nhận thông tin này thế nào?
Ông Lê Nam: Cái này các nhà phân tích về chính sách và quản lý phải phân tích cho có logic và hệ thống. Tôi chưa đủ điều kiện để phân tích nhưng tôi nghĩ nó thuộc về an ninh kinh tế. Các nhà quản lý, các cấp chính quyền phải làm việc này, ngành nông nghiệp không làm được.
PV: Là đại biểu của người dân, ông có đề xuất gì để giúp người dân thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn được mùa mất giá?
Ông Lê Nam: Phải thay đổi chính sách, có định hướng cụ thể, rõ ràng. Vừa rồi Chính phủ đã thông qua đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp nhưng làm thế nào để sắp xếp sản xuất hàng hóa của nông nghiệp theo hướng tập trung vào giá trị chứ không phải sản lượng, phải cân đối cơ cấu.
Bây giờ hạt gạo đừng nghĩ chỉ có thị trường Trung Quốc, Ấn Độ - là những thị trường thu nhập thấp, giá rẻ mà phải nghĩ đến thị trường cao cấp hơn. Đó là vấn đề rất quan trọng, quyết định sự thay đổi của nông nghiệp Việt Nam chứ không phải người nông dân cứ còng lưng là thay đổi được.
Thành Luân (Thực hiện)
Theo baodatviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn