Lãnh đạo xã Điện Trung báo cáo Thứ trưởng Lê Đình Thọ mô hình xây dựng NTM phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội địa phương. |
Ô tô ra tận… đồng ruộng
Đoàn công tác của Bộ GTVT trực tiếp đến các xã vùng Gò Nổi Điện Bàn. Dọc con đường tỉnh lộ 610B nối liền 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang, đến các tuyến đường liên thôn, liên xóm mang diện mạo mới, bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, lưu thông êm thuận. Đặc biệt, đoàn xe “bon bon” từ trung tâm xã ra tận các cánh đồng làng Đông Lãnh, Tân Bình 4…
Ông Nguyễn Hiệp (thôn Tân Bình 4) thoăn thoắt tay nhặt cỏ, chăm tỉa từng luống ngô, đậu, vui bảo: trước đây đi đồng cực lắm, giờ chạy vèo vài phút là tới. Đường bê tông rộng hơn 3m, xe ô tô cũng tới nơi. Người dân “cơ giới hóa” đồng ruộng. Đi làm bằng xe máy, thu hoạch có xe chuyên dụng. Đặc biệt, hơn 2 năm đưa đường nội đồng Tân Bình 4 vào sử dụng, “điện nước” theo đó kéo tới tận ruộng, trang bị “tận răng” nhu cầu phát triển sản xuất của người dân.
Theo ông Phan Thanh Cảnh, Trưởng thôn Đông Lãnh, thôn được chọn làm điểm xây dựng NTM và hoàn thành sớm trước 1 năm so với kế hoạch. Bộ mặt nông thôn giờ hoàn toàn thay đổi. Đặc biệt hạ tầng giao thông cải thiện rõ rệt. Đường xá được bê tông hóa, nâng cấp, mở rộng, cuộc sống người dân thay đổi rõ rệt.
Báo cáo với Thứ trưởng, ông Trần Tình, Phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Điện Trung cho hay: xã cán đích NTM từ tháng 2/2015. Toàn xã đã nhựa hóa và bê tông hóa 5/5km đường xuống cấp; bê tông gần 7km đường trục thôn, xóm và gần 15,5km đường ngõ xóm được bê tông không lầy lội vào mùa mưa. Riêng đường nội đồng bê tông hơn 82% trong tổng số gần 15km.
Ô tô ra tận đồng làng các thôn xóm Điện Trung nhờ hệ thống GTNT phát triển- một trong các tiêu chí NTM |
Có được kết quả, theo ông Tình, triển khai chương trình NTM, xã tăng cường tuyên truyền, vận động “sức dân”; lập ban quản lý từ xã tới các thôn, với tinh thần công khai, minh bạch. Tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ 55%, người dân đối ứng 45%, xã vận động quyên góp từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp là người con quê hương chung tay góp sức. Phần còn lại, với đường dân sinh chia bình quân mức đóng góp cho các hộ; riêng đường nội đồng áp giá “đối ứng” cho các hộ dân theo diện tích canh tác. Tính trung bình mỗi hộ chừng 400.000 đồng, và có thể quy đổi bằng ngày công.
Ông Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch chuyên trách kinh tế UBND xã Điện Trung cho hay: người dân đồng thuận, tự nguyện hiến đất đai, vật kiến trúc để mở đường. Triển khai hàng chục km đường GTNT nhưng xã không “mất một đồng” kinh phí đền bù, hỗ trợ.
GTNT tạo đà phát triển sản xuất
Biểu dương kết quả chương trình NTM tại xã Điện Trung, Thứ trưởng Thọ đánh giá các mô hình thực tiễn này sẽ là bài học kinh nghiệm, hữu ích trong quá trình sơ kết 5 năm triển khai xây dựng NTM, đặc biệt tiêu chí GTNT. Đoàn công tác đặc biệt ấn tượng về hệ thống hạ tầng GTNT thay đổi diện mạo làng quê. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch, môi trường nông thôn cải thiện, xã có hệ thống thu gom rác thải, hóa chất nông nghiệp…
Đường GTNT tạo đà thúc đẩy sản xuất, kinh tế - xã hội phát triển. Người dân hình thành cánh đồng kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa, nâng cao năng suất... |
“NTM nhằm mục tiêu cốt lõi phục vụ, phát triển sản xuất. Đường tốt, phương tiện lưu thông, tạo đà cơ giới hóa nông nghiệp; đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giá trị tăng trưởng, thu nhập người dân cải thiện”, Thứ trưởng Thọ đánh giá. Theo ông Trần Tình, năm 2013, thu nhập bình quân đầu người xã đạt 20 triệu đồng/người/năm, đến nay tăng lên 22-24 triệu đồng/năm.
Năm 2014, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa trên diện tích 120 ha đất hoa màu, hình thành cánh đồng kỹ thuật, đưa mô hình sản xuất có hiệu quả cao, xen canh: ớt, ngô, đậu xanh, lạc, dưa hấu, tăng từ 2 vụ lên 4 vụ sản xuất/năm. Nhờ GTNT, cơ giới hóa được tăng cường, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đạt bình quân từ 120 - 150 triệu đồng/ha; nhiều gia đình có thu nhập hàng năm từ 200 - 300 triệu đồng/ năm...
Thứ trưởng Thọ lưu ý địa phương chủ động cơ chế quản lý, duy tu, bảo dưỡng đường GTNT; nghiên cứu cách thức đồng bộ hóa hệ thống ATGT... “Mình nỗ lực xây dựng rồi phải có biện pháp quản lý tốt. GTNT có nguy cơ trở thành “điểm đen” TNGT cần có các biện pháp phòng ngừa: sơn kẻ gờ giảm tốc, biển báo... “- Thứ trưởng Thọ nói.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, chương trình NTM đang được triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Hết năm 2014, toàn tỉnh có 10 xã/214 xã cán đích NTM. Dự kiến năm 2015, Quảng Nam có thêm 46 xã cán đích. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% tổng số xã trên địa bàn hoàn thành NTM. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn