Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu đã xây dựng kế hoạch triển khai, đồng thời ban hành văn bản yêu cầu các xã, HTX trên địa bàn đăng ký sản phẩm OCOP trên cơ sở thế mạnh của địa phương
SX miến dong tại Bình Liêu Từ các sản phẩm này, huyện sẽ xem xét, đánh giá, chọn ra các sản phẩm, tổ chức tập huấn, giúp các hộ tham gia Chương trình OCOP được vay vốn phát triển sản phẩm. Sản phẩm nổi tiếng và lâu đời nhất phải kể đến “Miến dong Bình Liêu” được phát triển chủ yếu tại xã Húc Động. Sản phẩm đã xây dựng xong nhãn hiệu chứng nhận, huyện đã thành lập Hiệp hội SX miến dong Bình Liêu được nhiều tổ chức và cá nhân tham gia, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá thương hiệu sản phẩm. Xã Húc Động còn có sản phẩm OCOP dự án làng văn hoá gắn với du lịch (thác Khe Vằn), hiện đang được xây dựng, nằm trong quy hoạch phát triển du lịch Bình Liêu giai đoạn 2015-2020 tầm nhìn 2030. Sản phẩm “Mật ong Bình Liêu” đang được huyện xây dựng dự án trình phê duyệt và thực hiện các thủ tục xây dựng thương hiệu, lựa chọn mẫu chai và logo sản phẩm và đã có sản phẩm đưa ra thị trường. Hiện trên địa bàn huyện nuôi 1.860 tổ ong, sản lượng 7,44 tấn mật ong/năm. Huyện dự kiến đến cuối năm nay phát triển 5.700 tổ ong nuôi, sản lượng 22,8 tấn/năm. Cty CP Thương mại dịch vụ Bình Liêu và HTX CP đầu tư Phát triển Xanh (trụ sở tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) bao tiêu sản phẩm mật cho các hộ nuôi ong và có trách nhiệm mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con. Rượu Cao Ba Lanh là sản phẩm OCOP của Đồng Văn, do Cty CP Thương mại dịch vụ Bình Liêu làm chủ đầu tư. Cty đã SX thử và quảng bá, tuyên truyền trên thị trường (SX 100 lít/ngày, giá 130.000 đồng/lít), hiện đã có mẫu chai, logo sản phẩm loại 0,5 lít và 1 lít. Cty đang xây dựng vùng nguyên liệu men lá và tổ chức SX, lập dự án SX trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xã Hoành Mô có sản phẩm tinh dầu hồi Hoành Mô. Sản phẩm đã được huyện phê duyệt dự án. Hiện HTX Đồng Thanh (trụ sở tại xã Hoành Mô) đã xây dựng xong nhà xưởng, lắp đặt thiết bị máy móc chế biến, thu mua nguyên liệu, lựa chọn mẫu mã, logo sản phẩm và các bước chuẩn bị chế biến, trong năm nay sẽ có sản phẩm ra thị trường. Trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng rừng đồi tự nhiên, hiện Bình Liêu đã xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP, tạo thương hiệu riêng cho huyện. Các xã thực hiện chương trình, dự án tạo ra được nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM ở huyện
Nguồn: nongnghiep.vn