* Gắn liền với mô hình VAC
Qua 8 năm thành lập và chính thức đi vào hoạt động, Hội Làm vườn TP Cần Thơ phát triển được 85 chi hội với gần 1.170 hội viên; tham gia sản xuất với diện tích trên 832ha. Trong đó có 23/85 chi hội hoạt động mạnh (lĩnh vực khuyến nông, làm vườn, trồng hoa kiểng…) và 12/85 chi hội hoạt động khá. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, nguyên Chủ tịch Hội Làm vườn TP Cần Thơ (nhiệm kỳ 2005-2013), cho biết: Hội Làm vườn TP Cần Thơ thành lập nhằm mục đích phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương phù hợp với yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) theo chiều sâu, theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên; bảo vệ môi trường; tạo sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh thực phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường...
Thời gian qua, Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và mạng lưới khuyến nông cơ sở thực hiện hơn 300 cuộc tập huấn chuyên đề về cây ăn trái, chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản, rau màu… Đồng thời, xây dựng các điểm sinh hoạt chuyên đề gồm 11 câu lạc bộ làm vườn, 4 câu lạc bộ thủy sản và 7 câu lạc bộ chăn nuôi… Đẩy mạnh phong trào “Thi đua làm VAC giỏi”, Hội chú trọng phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản và thực hiện VAC theo hướng VietGAP. Nhiều mô hình làm kinh tế VAC cho thu nhập cao như: mô hình trồng xoài IPM cho lợi nhuận 300 triệu đồng/ha/năm, trồng hẹ theo tiêu chuẩn VietGAP lợi nhuận gần 100 triệu đồng/ha/năm, nuôi cá rô thâm canh cho lãi 56 triệu đồng/ha/vụ… Ông Võ Quốc Vĩnh, nông dân ấp 5, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng lúa và nuôi cá. Được ngành chức năng vận động trồng xoài, tôi trồng được gần 4,5 công xoài. Thời gian đầu, lợi nhuận từ cây xoài mang lại không cao. Đến năm 2009, tôi dự lớp tập huấn thâm canh cây ăn trái do Hội làm vườn thành phố tổ chức và hỏi từ những người đi trước, vườn xoài nhà tôi bắt đầu cho năng suất cao và ổn định hơn”. Theo ông Võ Quốc Vĩnh, doanh thu từ bán trái xoài hằng năm khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn kinh doanh dọt xoài chiết cành cho thêm thu nhập 80 triệu đồng/năm.
Trồng hoa kiểng tại HTX Hoa kiểng Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy. |
Thời gian qua, Hội Làm vườn TP Cần Thơ còn khuyến khích hội viên tham gia kinh tế tập thể nhằm hướng đến nền sản xuất hàng hóa tập trung; tạo điều kiện ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ký kết hợp đồng tiêu thụ… Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dâu Hạ Châu Phong Điền, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cho biết: “Trước khi thành lập HTX, đa phần nông dân sản xuất theo hướng cá thể, mạnh ai nấy làm, kỹ thuật chăm sóc chủ yếu là tự đúc kết kinh nghiệm nên năng suất thường không ổn định, phẩm chất trái dâu kém, lợi nhuận không cao. Từ khi vào HTX, chúng tôi được ngành nông nghiệp, Hội Làm vườn TP Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ tập huấn về kỹ thuật chọn cây giống, bố trí cây trồng, chăm sóc, bảo quản, sơ chế, giới thiệu đầu mối tiêu thụ… Đặc biệt, với kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ giúp giá bán dâu Hạ Châu tăng gấp rưỡi so với mùa thuận”.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Theo đánh giá của Hội Làm vườn TP Cần Thơ, mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song hoạt động Hội còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình như: nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp; chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan; nhiều chi hội, hội viên thiếu thông tin thị trường, chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất… Bước vào thời kỳ mới, thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với nội dung trọng tâm xây dựng nông thôn mới là điều kiện để hoạt động của hội trở nên phong phú, đa dạng hơn. Trong nhiệm kỳ mới, Hội Làm vườn TP Cần Thơ xác định tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học; phát triển các loại hình dịch vụ kỹ thuật, chú trọng dịch vụ giống nông nghiệp nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống hội viên…
Qua thực tế hoạt động, ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm HTX Dâu Hạ Châu Phong Điền, đúc kết: “Liên kết “4 nhà” là mấu chốt quyết định sự thành công. Song song đó, mỗi hội viên phải phát huy tính chủ động, sáng tạo; tích cực tham gia các lớp tập huấn và ứng dụng linh hoạt những kiến thức đó vào thực tế sản xuất. Ngoài việc tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị, chúng tôi mong muốn được đầu tư máy ép nước dâu, thiết bị bảo quản… nhằm kéo dài thời gian bảo quản và nâng cao giá trị gia tăng trái dâu Hạ Châu”. Ông Võ Quốc Vĩnh, nông dân ấp 5, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ kiến nghị ngành chức năng huyện Cờ Đỏ và Hội Làm vườn TP Cần Thơ nhanh chóng thành lập tổ hợp tác sản xuất để các nhà vườn có thể tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. Đây cũng là điều kiện để nhà vườn được hỗ trợ kỹ thuật từ các nhà khoa học, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu với giá cả phải chăng…
Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nhấn mạnh: Trên cơ sở các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, Hội cần rà soát lại quy hoạch, nhận định tiềm năng của mỗi địa phương để có hướng chỉ đạo phù hợp, kịp thời. Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang chuyển dịch sang nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, hoạt động của các chi hội cũng phải đi theo hướng này, đặc biệt ưu tiên phát triển mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. Song song đó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, cung ứng cây, con giống để có thể nâng cao năng suất và chủ động kiểm soát chất lượng nông sản từ gốc. Hội Làm vườn thành phố tích cực phối hợp Hội Làm vườn các tỉnh trong vùng ĐBSCL tạo điều kiện để hội viên học tập, rút kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời liên kết chặt chẽ với Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tăng cường chuyển giao, hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất…
Nguồn: báo cần thơ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn