Bà con thôn Kim Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) trồng mướp đắng thu trên 20 triệu đồng/sào.
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ngoài phần kinh phí do Nhà nước đầu tư thì một nguồn lực hết sức quan trọng, đó là sự chung tay góp sức của nhân dân. Xác định rõ điều đó, công tác tuyên truyền được huyện Yên Sơn triển khai bằng nhiều hình thức, như: Truyền thanh, pa nô, áp phích, lồng ghép trong các hội nghị của huyện, đoàn thể, xã và các buổi sinh hoạt thôn, chi bộ, đoàn thể. Từ cán bộ huyện, xã, thôn đến với nhân dân, lắng nghe nhân dân và đề xuất cách làm để nhân dân cùng tham gia đóng góp ý kiến... cách làm này đã tạo được niềm tin trong dân, người dân đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới. Bước chuyển rõ nét nhất là nhận thức, ý thức chung sức, đồng lòng đã trở thành sức mạnh, động lực tinh thần trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai các nhiệm vụ xây dựng NTM ở Yên Sơn.
Xã Mỹ Bằng, xuất phát điểm xây dựng NTM trong điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền xã với sự góp sức, đồng lòng từ phía người dân cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sau 4 năm Mỹ Bằng đã thay da, đổi thịt. Kết cấu hạ tầng cơ sở tương đối hoàn thiện, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Trong 4 năm, người dân xã đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, vật liệu, công lao động trị giá trên 60 tỷ đồng, xây dựng 126 km đường bê tông nông thôn; 25 nhà văn hóa thôn; 28 km kênh mương nội đồng, chủ động nguồn nước tưới cho 80% ha diện tích ruộng 2 vụ, nâng hệ số sử dụng đất lên 2,6 lần. Tỷ lệ người lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 1.750.000 đồng/tháng; tỷ lệ hộ nghèo từ 20,4% năm 2010, xuống còn 3% cuối năm 2014.
Phương châm xuyên suốt được các xã trong huyện Yên Sơn thực thi xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015 là xây dựng NTM trước tiên phải gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, các địa phương đã tập trung xây dựng, quản lý, thực hiện các quy hoạch, triển khai thực hiện sản xuất hàng hóa; đổi mới, phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả. Phương châm thực hiện là: Làm từ ngoài đồng ruộng về làng; làm từ hộ gia đình ra thôn, xóm; làm từ thôn, xóm lên xã; lấy thôn, xóm làm hạt nhân để vận động xây dựng NTM.
Trong 4 năm (2011 - 2014) huyện Yên Sơn đã huy động 533 tỷ đồng từ mọi nguồn lực phục vụ xây dựng NTM, hỗ trợ nông dân trồng mới 70 ha chè chất lượng cao; mua 314 con trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo. Toàn huyện đã làm được 614 km đường giao thông nông thôn; hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa như vùng chuyên canh chè 2.859 ha, mía 2.200 ha, cây ăn quả 1.991ha, lúa chất lượng cao 500 ha. Sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn huyện đã có bước phát triển mới theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, năng suất, chất lượng, hiệu quả, từng bước được nâng cao; các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đa dạng hơn.
Cùng với đó, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn có nhiều chuyển biến. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế ở các xã, thị trấn giảm dần. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống thủy lợi, điện, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sạch, vệ sinh môi trường...
Theo: baotuyenquang.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn