Có thể nêu ra một số điển hình: Thụy Hương khi bước vào thực hiện xây dựng NTM chỉ là xã trung bình của huyện Chương Mỹ, so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM chỉ đạt 1/19 tiêu chí. Qua hơn hai năm nỗ lực phấn đấu, Thụy Hương được đánh giá đạt yêu cầu đề ra, cơ bản đạt 18/19 tiêu chí, diện mạo của xã có chuyển biến rõ rệt. Tương tự, Song Phượng (huyện Ðan Phượng) từ một xã chỉ đạt 2/19 tiêu chí nay đã đạt và cơ bản đạt 16/19 tiêu chí, trong đó thực hiện tốt khâu quy hoạch đường làng, ngõ xóm, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất để mở rộng hoặc làm mới đường giao thông, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Xã Yên Sở (huyện Hoài Ðức) lại "đặt những viên gạch" NTM đầu tiên bằng thế mạnh về văn hóa, môi trường. Còn ở xã Mai Ðình (huyện Sóc Sơn), nông dân chủ động quy hoạch đồng ruộng, liên kết dồn thành ô thửa lớn tạo tiền đề cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân nông thôn...
|
Nông dân ngoại thành Hà Nội cấy lúa xuân trên cánh đồng dồn điền đổi thửa. Ảnh: Bá Hoạt |
Ðiểm nổi bật của phong trào xây dựng NTM ở Hà Nội là đã huy động được nguồn lực tổng hợp với tổng kinh phí đầu tư khoảng 8.500 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 426 tỷ đồng cùng hàng nghìn mét vuông đất và hàng chục nghìn ngày công lao động. Tại xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), từ năm 2011 đến nay đã có hơn 400 hộ gia đình tự nguyện hiến 60.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, phục vụ xây dựng công trình phúc lợi công cộng. Bên cạnh đó, người dân còn đóng góp 10 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng nông thôn. Tại xã Phùng Xá (huyện Mỹ Ðức), ông Bùi Quang Nhã tự nguyện hiến 160m2 đất thổ cư để kè mở rộng đường và vận động các hộ dân trong thôn tham gia hiến 500m2 đất ở cùng hàng nghìn mét vuông đất ruộng để làm giao thông nội đồng… Ở huyện Từ Liêm - địa phương hiện đang dẫn đầu thành phố về số xã đạt NTM, đã ban hành 16 đề án, chuyên đề phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng NTM, trong đó có 2 đề án về kinh tế, 3 đề án về văn hóa giáo dục, 2 đề án về môi trường, 1 đề án về quy hoạch đô thị… Ðáng chú ý là đề án "Vận động toàn dân chung sức xây dựng NTM", lấy chi ủy thôn, tổ dân phố, ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể làm nòng cốt để tổ chức vận động nhân dân tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn như cải tạo, duy tu công trình thủy lợi, hệ thống điện, duy trì vệ sinh môi trường… với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan, được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng NTM, song Hà Nội hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt đã thẳng thắn chỉ ra. Đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ; nguồn lực chưa bảo đảm, việc huy động kinh phí đóng góp của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế; phát triển sản xuất lúng túng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm nên thu nhập của nông dân vẫn thấp, dẫn đến hoài nghi về mục tiêu của chương trình; việc lập đề án xây dựng NTM tại một số địa phương chưa sát thực tế nên tính khả thi chưa cao... Ðó là chưa kể tới những tồn tại chung của sản xuất nông nghiệp cả nước khi bước vào xây dựng NTM mà Hà Nội không phải ngoại lệ như: hạ tầng kinh tế kỹ thuật nông thôn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu mở rộng sản xuất, thâm canh; đời sống và thu nhập của nông dân còn thấp, bấp bênh; tiềm năng đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được khai thác hết; các mô hình và điển hình tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao chưa nhiều, việc nhân rộng còn hạn chế; giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp, chưa hấp dẫn được sự đầu tư xứng tầm...
Trong năm 2013, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ có ít nhất 70 xã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM (toàn quốc phấn đấu có 200 xã). So với hơn 400 xã trên toàn thành phố, số xã sẽ đạt NTM theo dự kiến chưa phải nhiều song để về đích được cũng phải cố gắng rất lớn. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Nguyễn Công Soái, các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt 4 giải pháp: Tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình 02 để người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng NTM; tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ thành phố đến cơ sở, xác định đây là nhân tố quan trọng quyết định thành công trong xây dựng NTM; huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là vận động người dân và các doanh nghiệp tham gia; phát huy hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM.