Ông Bo Bo Na (thôn Cô Lắc, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) dẫn chúng tôi tham quan ruộng mía tím của Tổ liên kết mía tím thôn Cô Lắc rộng 1,5ha đang lên lóng.
Ông hồ hởi kể: Nhận được hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ phát triển thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ông cùng 5 người nữa trong thôn đã được hướng dẫn thành lập tổ liên kết trồng mía.
Năm đầu tiên (2013), tổ được hỗ trợ giống, phân để trồng 1ha mía tím, sau 7-8 tháng chăm sóc, cây mía đã bắt đầu cho thu hoạch. Năm đầu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào, so với trồng ngô theo lối canh tác cũ thì thu lãi cao gấp 5 – 6 lần.
"Năm nay chắc chắn sẽ thu nhập cao hơn vì được ăn mía gốc (mía tái sinh lưu gốc) không phải tốn tiền giống nữa, tôi nhẩm với giá như hiện nay sẽ cho lãi khoảng 15 triệu đồng/sào. Hơn nữa, nhờ lượng mía giống có sẵn sau thu hoạch mùa đầu tiên, Tổ liên kết của chúng tôi đã mở rộng thêm diện tích lên 1,5ha, dự kiến năm nay cả tổ gồm 5 thành viên sẽ có thu nhập hàng trăm triệu đồng” – Bo Bo Na vui vẻ nói.
Khác với nhóm của Bo Bo Na, gia đình Bo Bo Chiêng (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn) lại chọn mô hình kết hợp nuôi heo và trồng mía tím. Năm 2013, gia đình Bo Bo Chiêng được hỗ trợ 9,1 triệu đồng, cộng với vốn đối ứng của gia đình, anh chị đầu tư mua 10 con heo giống và trồng 3 sào mía tím.
Hiện đàn heo đã xuất chuồng cho lãi hàng chục triệu đồng, anh chị đang tiếp tục tăng thêm số lượng đàn, phân heo được dùng ủ bón cho 3 sào mía, thu lãi 45 triệu đồng/năm.
Ông Lê Ánh Sáng – Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện Chương trình NTM, đã có 28 hộ trên địa bàn xã được hỗ trợ giống cây hồ tiêu, cà phê, mía tím, bắp lai và giống cá nước ngọt. Bà con lại được hỗ trợ về kỹ thuật, được hướng dẫn thành lập và hoạt động theo tổ liên kết nên đã mang đến những hiệu quả ban đầu, giúp bà con xóa đòi nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Ngoài ra, 22 hộ còn được nhận 22 môtơ bơm nước từ nguồn vốn hỗ trợ thiết bị máy móc trong sản xuất, giúp bà con chủ động tưới tiêu.
Trong 3 năm thực hiện Chương trình NTM, tính đến hết năm 2013, tỉnh Khánh Hòa đã bố trí tổng nguồn vốn thực hiện các nhóm tiêu chí NTM đạt 588,25 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa chú trọng việc lồng ghép, triển khai có hiệu quả khi thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn đúng quy hoạch NTM.
Các chương trình phát triển nguồn nhân lực, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nước sạch và vệ sinh môi trường; giáo dục và đào tạo; đưa thông tin về cơ sở; việc làm và dạy nghề... đã được phối hợp thực hiện một cách có quy hoạch, đồng bộ, hiệu quả, góp phần thực hiện Chương trình NTM.
Ông Trương Hữu Lan – Phó Chánh văn phòng Ban điều phối Chương trình NTM tỉnh Khánh Hòa cho biết: Việc hỗ trợ sản xuất đã góp phần rất lớn trong sự chuyển biến tích cực về thu nhập của người dân, giảm nghèo, nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm...
Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 xã đã tiêu chí thu nhập (tăng 9 xã so với tháng 7. 2011), 33 xã đạt tiêu chí hộ nghèo (tăng 21 xã), 23 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm thường xuyên (tăng 13 xã)...