Nằm bên bờ sông Cầu, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa là nơi giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất tỉnh, thổi bùng ngọn lửa cách mạng để Bắc Giang trở thành một trong bốn tỉnh đầu tiên khởi nghĩa thắng lợi, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Đẹp mãi mùa xuân
Xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang vốn thuộc tổng Cẩm Bào xưa kia. Đây là vùng được triều đại nhà Lê ban danh những tên làng, tên đất thật ý nghĩa, với: "Cẩm Bào" nghĩa là làng có nhiều người làm quan mặc áo vua ban, "Cẩm Hoàng" - làng thuộc đất vua tặng.
Còn Xuân Biều với nghĩa làng có nhiều người văn hay chữ tốt, các nho sinh của làng đã viết nhiều biểu tấu dâng vua hiến kế trị nước an dân, được vua tặng bốn chữ "Mỹ tự Xuân Biều".
Vốn thành danh và có truyền thống văn chương, dân Xuân Cẩm sớm có ý thức lưu giữ niềm tự hào qua những trang sử đá, những truyền tích dân gian, những gia phả dòng họ. Hiếm nơi đâu có nhiều danh tướng như ở vùng đất này, với 4 quận công, đô đốc, tiến sĩ, gồm: Ngô Đình Dũng tướng công (năm 1645), Phạm Đình Liêu thượng tướng công (năm 1730), Ngô Đình Chiến đô đốc quận công, Ngô Đình Hoành tướng công.
Cũng hiếm nơi đâu còn lưu lại nhiều minh chứng về văn hiến và thượng võ như Xuân Cẩm với 5 khu lăng mộ của các danh nhân, danh tướng đã có nhiều đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ đất nước và chấn hưng nền kinh tế.
Người dân nơi đây vô cùng tự hào với truyền thống vẻ vang, càng tự hào với sự bứt phá phát triển hôm nay, với họ thì tên gọi của xã Xuân Cẩm thật đúng với ý nghĩa của mùa xuân mãi mãi tươi đẹp.
Đốm lửa
Kể từ khi đặt chân đến xã, chúng tôi đã đi từ điều ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một nhân chứng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh Bắc Giang, cụ Ngô Đình Kế, 93 tuổi, cũng đã khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì sức khỏe và trí tuệ minh mẫn.
Cụ Ngô Đình Kế hiện sống cùng con cháu tại xã Xuân Cẩm, là chiến sĩ tự vệ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, canh gác buổi mít tinh tối 12/3/1945 tại đình làng Xuân Biều.
Dù đã 93 tuổi song cụ Ngô Đình Kế vẫn còn nhớ rõ buổi tối lịch sử giành chính quyền tối 12/3/1945
Cụ kể, chiều ngày 12/3/1945, đồng chí Lê Thanh Nghị (đặc phái viên của Trung ương, chỉ đạo phong trào chống Nhật ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên) và Nguyễn Trọng Tỉnh (Bí thư Ban Cán sự đảng tỉnh Bắc Giang) đã nhận lệnh của Tổng Bí thư Trường Chinh về ngay Hiệp Hòa để chỉ đạo phong trào.
Về tới xã Xuân Biều thấy chính quyền cũ ở đây hoang mang dao động đến cao độ, nhân dân sôi sục khí thế đấu tranh, hai người đã quyết định họp cán bộ cơ sở để phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau cuộc họp tại đình làng, cán bộ của ta triệu tập ngay lý trưởng đến, tịch thu bằng triện. Bà con gióng trống, mở cờ, triệu tập mít tinh ở đình.
Sau một loạt súng thị uy, đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh tuyên bố thủ tiêu chính quyền cũ, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng, bầu năm người vào ủy ban, do đồng chí Kiểm Ê làm Chủ tịch. Khi đồng chí Tỉnh thay mặt chính quyền cách mạng, đọc lời thề danh dự, hàng trăm người nhất loạt hô vang: "xin thề", "tiến lên", khí thế bừng bừng chiến thắng...
Những ngày tiếp theo, Ủy ban Dân tộc giải phóng Xuân Biều đã huy động tự vệ và quần chúng đông tới 3.000 người rầm rộ kéo đến bao vây đồn điền Vát, đồn điền Cọ phá kho lấy thóc lúa, trâu bò chia cho người nghèo. Nhiều địa phương khác tiếp tục được giải phóng, đến 18/3 chính quyền cấp huyện đã hoàn toàn thuộc về nhân dân.
Trong cuốn hồi ký "Trọn một cuộc đời" của đồng chí Lê Thanh Nghị có ghi chép về sự kiện này như sau: "Khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở Xuân Biều là đốm lửa để bùng lên cả một trời lửa Cách mạng tháng Tám năm 1945".
Đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã thắng lợi đầu tiên trên phạm vi cả nước nhờ vận dụng Chỉ thị ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về khởi nghĩa từng phần, tạo điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa.
Làng tỷ phú hôm nay
Chúng tôi về Xuân Biều, tại đình làng, thôn đang có buổi họp dân để chuẩn bị tôn tạo đường bê tông. Ông Lê Văn Hoan, Bí thư Chi bộ thôn, cho biết: Hiện nay, toàn bộ đường liên thôn, đường ra đồng của thôn đã được bê tông hóa.
Một cổng trong 5 cửa ô của làng Xuân Biều
Nằm ven sông Cầu, trước kia thôn chủ yếu cấy lúa và làm gạch thủ công. Đầu những năm 2000, thực hiện chủ trương xóa lò gạch kiểu cũ, dân Xuân Biều đã nhanh nhạy thực hiện chuyển đổi SX theo hướng hiện đại, an toàn cho môi trường. Hiện trên địa bàn thôn có 3 khu hấp gạch được tỉnh Bắc Giang cho phép.
“Đáng khoe” nhất là 8 thanh niên thôn Xuân Biều đã mạnh dạn vay vốn đầu tư 50 tỷ đồng để thành lập Cty Hợp Thịnh Phát, xây dựng nhà máy gạch tuynel. Nhà máy thu hút giải quyết việc làm và tạo thu nhập thường xuyên cho 200 lao động.
Xuân Biều tập trung thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa, đầu tư xây dựng giao thông - kênh mương - trường học, tăng cường công tác quản lý đất đai, công tác bảo vệ môi trường... phấn đấu 5/5 làng đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện, 3/5 làng văn hóa cấp tỉnh, 2.053/2.550 hộ gia đình văn hóa, 26 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu cấp xã. |
Ông Phạm Bá Thiêm, trưởng bộ phận tạo hình của Nhà máy gạch tuynel, cho biết, những người sáng lập Cty Hợp Thịnh Phát, nhà máy gạch tuynel thống nhất cao chủ trương SX gắn liền với đảm bảo môi trường cũng như áp dụng công nghệ mới. Chính vì vậy, sau khi nhà máy được thành lập đã hoạt động rất hiệu quả.
Chúng tôi đã bị cuốn theo không khí làm ăn khẩn trương rất hiếm gặp tại một làng quê như ở Xuân Biều. Mỗi người dân chúng tôi gặp gỡ, dù đang làm việc trên cánh đồng hay trong nhà xưởng đều thể hiện sự tích cực và say mê.
Họ chủ động tham gia xây dựng cuộc sống của gia đình và cộng đồng. Dân Xuân Biều cũng đặc biệt có ý thức bảo vệ môi trường sống, tại thôn đã thành lập tổ thu gom rác thải do Chi hội phụ nữ đảm nhận.
Chịu khó và thức thời, làm nông cũng giỏi, làm kinh tế cũng khá, thôn Xuân Biều đường xá khang trang hiện đại, nhà cao cửa rộng, hàng quán nhộn nhịp. Làng có 5 cửa ô, 5 cổng được những người con quê hương tài trợ xây dựng đẹp và bắt mắt. Mỗi khi có sự kiện, xe ô tô của làng nối dài hàng cây số, là hình ảnh hiển hiện của sự làm ăn năng động, hiệu quả và đời sống sung túc của người dân nơi đây.
Rất đỗi tự hào về làng quê mình, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Cẩm Ngô Đình Dũng “khoe”, năm 2014, toàn xã đã trồng 360ha lúa, thu hoạch vụ chiêm xuân năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, tổng sản lượng 1.800 tấn.
Tình hình SX tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn như đan lát truyền thống được duy trì ở Cẩm Bào, Cẩm Trung, đồ mộc gia dụng, đồ gỗ mỹ nghệ khá phát triển tập trung Cẩm Hoàng, Cẩm Xuyên, trên địa bàn xã có khoảng gần 300 xưởng; SX vật liệu xây dựng tập trung ở Xuân Biều thu hút nhiều lao động, đồng thời tăng thu nhập cho nhân dân, cải thiện đời sống.
Tổng đàn trâu, bò, ngựa trên địa bàn khoảng 2.200 con; đàn lợn khoảng 5.000 con; đàn gia cầm ước đạt là 18.000 con; tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 50 ha.
Đồng Văn Thưởng
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn