05:43 EST Thứ bảy, 23/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Xuân Lộc, huyện nông thôn mới đầu tiên

Thứ tư - 30/04/2014 23:16
ừ một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu, mang đầy thương tích của bom đạn chiến tranh và cũng là huyện nghèo nhất tỉnh, nhưng sau 39 năm xây dựng và phát triển, đến nay huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) đã hoàn toàn đổi khác, trở thành huyện có nền kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển nhất nhì của tỉnh. Trong đó, nổi bật lên là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) với 7 xã đạt chuẩn NTM và 7 xã còn lại đã đạt từ 17-18 tiêu chí. Dự kiến trong năm 2014 này, Xuân Lộc sẽ trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Đồng Nai và trong cả nước.

Hòa hợp ý Đảng, lòng dân


Được mệnh danh là "cánh cửa thép" bởi quân địch dồn nhiều lực lượng “tử thủ” vì “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn” nên trận đánh vào Xuân Lộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã diễn ra hết sức quyết liệt, giằng co giữa ta và địch. Suốt 12 ngày đêm chiến đấu, “cánh cửa thép” đã được mở tung và Xuân Lộc giải phóng hoàn toàn vào ngày 21/4/1975.

 

Toàn cảnh thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).


Nhớ lại những ngày gian khó, ông Nguyễn Văn Toàn, nguyên Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, cho biết kinh tế của huyện Xuân Lộc sau giải phóng chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng lạc hậu, trong khi các ngành thương mại, dịch vụ không đáng kể. Hạ tầng giao thông nông thôn hầu hết là đường tạm, không điện, không cơ sở y tế, giáo dục thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, học sinh phải học ca 3 ca 4 với trường lớp tạm bợ. Đời sống nhân dân hết sức khó khăn; hộ đói, nghèo chiếm trên 20% dân số huyện…

Thế nhưng, hiện nay Xuân Lộc hoàn toàn “lột xác”. Nếu như từ chỗ chưa có xã nào trong huyện có điện, thì đến nay 15/15 xã, thị trấn của huyện đã sử dụng điện lưới quốc gia với số hộ sử dụng điện trên 99%. Toàn bộ các tuyến đường giao thông do huyện quản lý đã có tỷ lệ nhựa hóa trên 71%; gần 86% tuyến đường trục xã, liên xã, trục ấp cũng đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%. Toàn huyện đã có 44/67 trường đạt chuẩn quốc gia và 15/15 xã, thị trấn đạt phổ cập THPT. 15/15 xã, thị trấn của huyện cũng đạt chuẩn quốc gia về y tế với tỷ lệ người tham gia BHYT đạt gần 75%...

 

Bác sĩ đang thăm khám bệnh nhân đang trị bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Xuân Lộc.


Theo Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật, để có được những kết quả trên, Huyện ủy Xuân lộc đã tận dụng và khai thác thế mạnh sẵn có, đồng thời huy động sức dân. Xác định người dân là chủ thể trong công cuộc xây dựng NTM, muốn thành công phải làm cho người dân tin tưởng, tạo được sự đồng thuận cao trong dân. Do đó, huyện đã nghiêm túc thực hiện việc nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. “Trong 5 năm thực hiện nông thôn mới, Xuân Lộc đã huy động 13.900 hộ dân hiến 696.000 m2 đất, 172.000 lượt ngày công thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ được sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân, nên từ năm 2009 đến nay, trong tổng nguồn vốn đầu tư 9.333 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, có đến 92% do nhân dân đóng góp…”, ông Nguyễn Minh Nhật cho biết.


Theo ông Nhật, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với sản xuất thị trường nên đã hình thành sự liên kết giữa nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ. Đến nay, nhiều vùng canh tác nông nghiệp của huyện Xuân Lộc đã đạt giá trị sản xuất từ 100 đến 250 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt một số mô hình sản xuất cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/nămnhư: Câu lạc bộ tiêu năng suất cao xã Xuân Thọ, câu lạc bộ thanh long Xuân Hưng, hợp tác xã xoài Suối Lớn, hợp tác xã rau sạch Trường An, hợp tác xã rau Xuân Tiến… Nhờ những chuyển biến này, năm 2013, mức thu nhập bình quân đầu người của người dân huyện Xuân Lộc đã đạt gần 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,35%.


Anh Trần Xuân Thắng - cựu chiến binh, từ làm ruộng nay đã trở thành “vua” trồng tiêu ở xã Xuân Thọ và của cả nước, với năng suất tiêu đạt từ 8 - 11 tấn/ha. “Cơ ngơi có được ngày hôm nay, gia đình tôi luôn nhớ ơn Đảng và nhà nước vì luôn quan tâm chỉ đạo cán bộ ở xã, ấp theo sát dân; kịp thời giải quyết các kiến nghị của dân, nhất là trong việc thay đổi cơ cấu trồng, giải quyết khó khăn trong sản xuất. Điển hình như việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng tiêu, hay giống tiêu tôi đang trồng đều do cán bộ khuyến nông xã đến tận nhà chuyển giao”, anh Thắng cho biết.


Huyện nông thôn mới đầu tiên


"Lấy đồ án quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt làm tiền đề; lấy phát triển sản xuất làm gốc; lấy việc nâng cao đời sống nhân dân làm mục tiêu; lấy lợi ích mang lại cho người dân và cộng đồng làm động lực; lấy sự đồng thuận, góp sức của cộng đồng cư dân là bí quyết của thành công", ông Nguyễn Minh Nhật cho biết về mục tiêu xây dựng huyện NTM Xuân Lộc. Theo đó, đến nay Xuân Lộc còn lại 7 xã (Xuân Bắc, Xuân Trường, Xuân Thành, Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Hòa và Lang Minh) đạt từ 17- 18 tiêu chí NTM theo chuẩn của Trung ương quy định, trong khi 7 xã đã hoàn thiện toàn bộ các tiêu chí. Huyện Xuân Lộc khẳng định trong năm 2014, các xã này sẽ hoàn thành 100% tiêu chí NTM của tỉnh và Trung ương, nhằm đưa Xuân Lộc trở thành huyện NTM đầu tiên trong tỉnh và cả nước.

 

Thanh long ruột đỏ đã giúp cho nhiều nông dân trong huyện Xuân Lộc có thu nhập cao.


Xuân Hòa là một trong những xã đang nỗ lực để đạt được những tiêu chí còn lại của NTM. Theo Chủ tịch UBND xã Trần Đình Lai, Xuân Hòa có điểm xuất phát thấp nhưng tinh thần đoàn kết của người dân đã làm nên sức mạnh, để khoảng tháng 6 tới, Xuân Hòa sẽ “chạm đích” nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới đang vẽ nên những bức tranh đổi thay trong đời sống của người dân. Đến làng Chơro (ấp 3, xã Xuân Hòa), già làng Lý Thị Kiển, người đã từng làm giao liên cho cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đưa chúng tôi đi trên con đường đang được đổ bê tông, cho biết: “Vùng này toàn đất cát khô cằn, chỉ có những loại cây chịu được hạn mới sống nổi nên đa số người dân rất nghèo khổ.

Năm 2001, Nhà nước cho mỗi gia đình 6 triệu đồng để xây nhà gạch, đồng thời kéo điện, đào giếng cho chúng tôi. Đến năm 2002, người Chơro ở đây chính thức xóa mù chữ. Nhiều gia đình có con học đại học, cao đẳng, giờ về công tác tại các cơ quan trong huyện, tỉnh. Người dân ai cũng ý thức về việc cho con đi học để có điều kiện sống, làm việc tốt hơn”.


Nông thôn mới cũng đã và đang làm đời sống của cộng đồng người Chăm ở ấp 4, xã Xuân Hưng phát triển mạnh mẽ. “Trong 15 năm trở lại đây, huyện đã xây dựng trên 100 căn nhà cho người dân, đổ bê tông các tuyến đường giao thông, kéo điện và nước sinh hoạt cho bà con. Công nghệ thông tin cũng được người Chăm tiếp thu rất nhanh, nhiều gia đình đã mua được máy vi tính để đọc báo, học tập và giải trí… Từ đó, đời sống trong làng dần khởi sắc, tiến bộ, văn minh. 100% trẻ em đến tuổi được đi học, không còn tình trạng mù chữ trong cộng đồng người Chăm”, Trưởng ấp người Chăm Mohamed Nooru Deer cho biết.


"Xuân Lộc thành công trong xây dựng NTM là nhờ lấy dân làm gốc, mọi việc đều đưa ra dân bàn, dân biết, dân làm và dân thụ hưởng. Thành công còn do huyện dám mạnh tay cách chức và điều chuyển những cán bộ chủ chốt không được lòng dân và không làm được việc", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá trong chuyến kiểm tra thực hiện NQ 26 của TW ở Xuân Lộc mới đây. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu huyện Xuân Lộc cố gắng để hoàn thành NTM trong cuối năm 2014, trở thành huyện đầu tiên trong cả nước xây dựng xong NTM và đạt thêm danh hiệu Anh hùng lần thứ 3 về xây dựng NTM. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý: Xây dựng thành công nông thôn mới đã khó, việc giữ vững và phát huy được tính hiệu quả của chương trình lại càng khó hơn và cần một quyết tâm cao hơn để thực hiện.


                                                                                                                                                         Bài:Lê Hiền - Ảnh: Lê Linh
                                                                                                                                                                  Theo baotintuc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 291

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 288


Hôm nayHôm nay : 60212

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1032380

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71259695