Người Thạch Hạ đã đến xây làng, lập ấp từ thế kỷ XIII - XV, trước cả mấy trăm năm khi địa danh Thạch Hạ ra đời. Mảnh đất dù đói nghèo nhưng con người không bao giờ chịu an phận thủ thường, khuất phục số phận. Để rồi, mỗi người con lớn lên chẳng ai là không biết đến bài đồng dao: “Đất Đồng Môn dệt vải/ Đất Cổ Đạm vắt nồi/ Còn Thạch Hạ bầy tui/ Bắt một nạm cáy hôi/ Về đâm đâm phơi phơi/ Đem lên chợ tỉnh ngồi/ Tay mút miệng thì mời/ Ngon ngon lắm người ơi/ Ngon bằng năm ruốc bể/ Ngọt bằng mười ruốc bể…”.
Thạch Hạ trên đường đổi mới. Ảnh: Thành Chung |
Khi nước nhà bị xâm lăng, mặc cho mưa bom, bão đạn, những người con đất Quang Lịnh (Thạch Hạ xưa) dù ở lớp tuổi nào, đồng bào giáo hay lương luôn sát cánh bên nhau, kiên cường đánh giặc. Hàng nghìn thanh niên đã tự nguyện lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng nghìn bà mẹ, người vợ vẫn âm thầm “vững tay cày, chắc tay súng” tiếp lửa cho tiền tuyến. Ông Nguyễn Văn Hóa - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ác liệt nhất là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thạch Hạ nằm ở vị trí chiến lược, nơi có tuyến vận chuyển đường sông quan trọng nối từ sông Cày, sông Hộ Độ với Cửa Sót để vận chuyển hàng từ biển lên đường mòn Hồ Chí Minh. Tỉnh lộ 9 chạy dọc chiều dài xã có bến đò Hộ Độ nối thị xã với các xã vùng cửa biển. Vị trí này còn có 2 trận địa pháo cao xạ và đơn vị ra-đa của Quân khu 4, bảo vệ thị xã Hà Tĩnh.
Suốt 8 năm chiến tranh phá hoại (1964-1972), giặc Mỹ đã dội xuống địa bàn xã khoảng 7.560 tấn bom đạn các loại”. Trung bình, mỗi người dân Thạch Hạ phải hứng chịu 2 tấn bom. Toàn xã có 4 mẹ đã được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng và hiện đang làm hồ sơ truy tặng 5 mẹ. Mảnh đất một thời đau thương đã chứng kiến sự hi sinh của 109 người con quê hương. Năm 2004, Thạch Hạ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân”. Tổ quốc sẽ mãi ghi công họ, những người đã xả thân cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Nguyễn Quang Nguyên (thôn Tân Học) cho doanh thu mỗi năm 3-4 tỷ đồng. |
Thạch Hạ ngày mới. Những chứng tích đau thương đã lùi xa, những hố bom năm xưa giờ đây đang được con người cải tạo, đào ao, xây hồ nuôi trồng thủy sản. Tuyến sông Hộ Độ, nơi chứng kiến những trận tránh ác liệt nay là dãy nhà hàng đặc sản nối dài nhộn nhịp… Năm 2004, Thạch Hạ sáp nhập vào TP Hà Tĩnh, phát huy lợi thế là cửa ngõ phía Bắc, xã đã tạo nhiều đột phá trên các lĩnh vực KT-XH. Ông Nguyễn Văn Hóa chia sẻ: “Năm 2010, xã được thành phố chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Lúc đó, Thạch Hạ mới chỉ đạt 11 tiêu chí. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng để động viên sức mạnh nhân dân thực hiện các phong trào thi đua, xã đã về đích NTM đúng kế hoạch”. Chỉ trong 4 năm, tốc độ tăng trưởng không ngừng tăng, cơ cấu kinh tế chuyển mạnh sang phát triển TM-DV. Hiện nay, trên địa bàn có 30 doanh nghiệp, hàng trăm nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Từ tỉnh lộ 9, chúng tôi rẽ vào thôn Trung. Ấn tượng đầu tiên là những ngôi nhà thiết kế lạ mắt, hiện đại, màu sơn mát mẻ nằm giữa vườn cây được quy hoạch ngay ngắn. Người dẫn đường là một cán bộ văn hóa bảo, đây là xứ đạo “an toàn, đoàn kết, văn hóa” đi đầu xây dựng NTM. Nói rồi, anh mời tôi vào nhà bà Nguyễn Thị Phong, người tiên phong hiến đất làm đường GTNT mà bây giờ người làng vẫn gọi với cái tên gần gũi “bà Phong hiến đất”.
Bà kể: “Năm 2011, tôi làm nhà, lúc đó, tôi nghĩ xã mình đã lên thành phố thì khâu đầu tiên là phải phát triển điện, đường, trường, trạm. Nhìn mặt đường thôn chỉ 4m, tôi không ngần ngại bàn với con hiến 100 m2 đất để mở rộng đường. Mình làm trước, làng nước sẽ theo sau, đẹp cho mình và cho xã hội chứ thiệt đâu mà sợ”. Tinh thần gương mẫu đi đầu của bà hôm nay đã có kết quả, con đường bê tông rộng 7m chạy xuyên suốt từ đầu thôn đến cuối thôn.
Chúng tôi rời Thạch Hạ khi tiếng chuông nhà thờ bắt đầu ngân nga, hòa trong hơi thở nhịp sống mới...
Tuệ Anh
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn