Thực trạng báo động
Rừng ngập mặn (RNM) không chỉ giữ vai trò bảo vệ các tuyến đê sông, cung cấp nguồn lợi thủy sản mà còn có vai trò thu hút các loài chim đến sinh sống và điều hòa không khí. Thực trạng suy giảm RNM đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả người dân và chính quyền địa phương. Trong đó, khoa học công nghệ phải đóng vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu nguyên nhân và tìm ra giải pháp bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn. Thực tế, trong vài năm trở lại đây, nhiều nhà khoa học cả trong và ngoài tỉnh đã có những công trình nghiên cứu đánh giá thực trạng và tìm ra các hướng giải cứu RNM tại Hà Tĩnh.
Một phần rừng ngập mặn ở xã Thạch Đỉnh (Thạch Hà) đang bị tác động tiêu cực do con người và thiên nhiên. |
Có mặt tại một khu vực đất ngập nước ở xã Thạch Đỉnh, những khoảng bùn trống mênh mông hiện ra trước mắt khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. RNM chỉ thưa thớt những cụm đước hay mắm trắng. Một hộ dân thôn Tây Sơn kể, hồi trước, rừng um tùm, nhưng chẳng biết vì lý do gì mà chết dần. Mấy cây đước là do người dân nhặt cành trôi theo sông giâm xuống, nhưng cũng không sống được nhiều.
Một số khu vực phân bố RNM đang phải đối mặt với nhiều tác động xấu từ con người và thiên nhiên. Tại xã Ích Hậu, Thạch Mỹ (Lộc Hà) và xã Thạch Kênh, Thạch Sơn (Thạch Hà) do quá trình ngọt hóa sông Nghèn, môi trường sống của RNM bị thay đổi nên nhiều diện tích bị chết. Hoặc ở Cẩm Xuyên, việc xây dựng tuyến đê sông từ Cẩm Nhượng đến Cẩm Phúc đã tạo thành đường chia cắt RNM khu vực này thành 2 vùng (trong đê và ngoài đê). Khu vực rừng trong đê dễ bị tổn thương bởi môi trường sống thay đổi mạnh, mặt khác còn chịu tác động của người dân địa phương.
Trước đây, RNM phân bố đều ở các huyện có nhiều khu vực đất ngập nước của 4 cửa sông (Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu). Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực của các yếu tố khí hậu, cũng như các hoạt động phát triển KT-XH, thay đổi mục đích sử dụng đất… diện tích RNM ở một số địa phương suy giảm mạnh hoặc không còn nữa. Điển hình là sự mất đi của 389,22 ha ở TP.Hà Tĩnh; 355,53 ha ở Thạch Hà; 338,45 ha ở Kỳ Anh. Phần lớn diện tích RNM đã bị thay thế bởi các loại hình sử dụng đất khác.
Biểu đồ đánh giá sự biến động diện tích RNM giai đoạn 2000-2014. |
Bảo tồn, phát triển phải dựa vào cộng đồng
Một tín hiệu đáng mừng là nhiều người dân địa phương đã có ý thức về tầm quan trọng của RNM. Anh Nguyễn Văn Quý (Thạch Đỉnh) cho biết: “Nếu được giao rừng và đầu tư các giống cây, chúng tôi sẵn sàng trồng và chịu trách nhiệm bảo vệ rừng”. Anh nói thêm, người dân địa phương vẫn có thu nhập 1-2 triệu đồng/người/tháng từ rừng bằng cách bắt cua, hay các loại hải sản khác. Tuy nhiên, các loại cây đang ngày càng chết dần nên nguồn lợi từ rừng cũng ít đi.
Hiện trạng rừng ngập mặn Hà Tĩnh năm 2014. |
Chủ tịch UBND xã Hộ Độ - Phan Đình Hinh cho biết, công tác chăm sóc, bảo vệ RNM của địa phương đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thủy hải sản, đồng thời, tạo việc làm cho hơn 200 lao động, tận dụng phát triển ngành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Để bảo vệ, phát triển RNM cần phải dựa vào cộng đồng. Chính quyền xã đã và đang phối hợp gắn kết, giao trách nhiệm cho các hội, đoàn thể, các tổ liên gia quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, giao trách nhiệm các hộ đánh bắt trên sông phải bảo vệ rừng.
Thực tế cho thấy, người dân địa phương là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ RNM và họ gần gũi với rừng hơn cả. Các nhà khoa học lưu ý, phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân và cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ và phát triển RNM. Người dân phải được hưởng lợi trực tiếp từ rừng, dần thay thế cơ chế khoán bằng tiền như hiện nay. Như thế, công tác bảo vệ mới đảm bảo tính bền vững; cân bằng giữa nhu cầu phòng hộ và kinh tế; tạo vùng an toàn để phát triển lâu dài; tạo sự cân đối giữa bảo vệ môi trường và ổn định cuộc sống người dân.
RNM sẽ được giao cho cộng đồng phối hợp bảo vệ nhưng chính quyền các cấp cũng cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, quy hoạch hợp lý và hướng dẫn, tuyên truyền những phương án, kỹ thuật trong việc phát triển rừng. Nếu để người dân tự ý thực hiện, về lâu dài dễ dẫn đến mất cân bằng trong lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường. Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách hỗ trợ, cho vay hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển du lịch sinh thái hợp lý hoặc học tập, nhân rộng các mô hình như nuôi ong trong RNM…đảm bảo quyền hưởng dụng tài nguyên RNM của cộng đồng.
Dương Chiến
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn