Đi dọc triền đê La Giang dài hơn 19km từ thị xã Hồng Lĩnh đến huyện Đức Thọ, chúng tôi bị hút hồn bởi rừng cây keo, bạch đàn xanh mướt phủ kín bờ đê đoạn qua xã Đức Nhân của vợ chồng anh chị Nguyễn Sơn - Nguyễn Thị Nga. Vùng đất này trước đây người dân thôn Phú Quý, xã Đức Nhân trồng lúa, lạc nhưng do nằm ngoài đê nên thường xuyên bị ngập lũ, dần dần bà con bỏ hoang.
Rừng cây trong trang trại của anh Sơn là tấm lá chắn cho đê La Giang. |
Thấy cánh đồng bị bỏ hoang rất phí, anh Sơn bàn với vợ làm đơn xin xã nhận thầu lại 7,5ha ở vùng đồng Hác. Tháng 7.2007, anh làm hồ sơ vay ngân hàng 30 triệu đồng và cùng với vốn tích góp, vợ chồng anh mua 7 vạn cây keo, bạch đàn, xoan giống về trồng. Cuối năm 2009, cây bắt đầu lên xanh thì lũ về. Các xã vùng ngoài đê ở Đức Thọ ngập nặng, trong đó có trang trại của vợ chồng anh Sơn. Rừng úa vàng, rụng lá, vợ chồng anh tưởng trắng tay. Nhưng sau một tuần nước rút, được phù sa bồi đắp nên 7,5ha cây xanh tốt trở lại.
Để tận dụng lợi thế vùng đất ngập lũ, vợ chồng anh thả nuôi 30 con bò và 300 con gà thịt, mỗi năm cứ đến mùa lũ là xuất chuồng. Nhờ trang trại nằm biệt lập giữa ốc đảo của nhánh sông La bao bọc nên rất ít xảy ra dịch bệnh. Chỉ tính riêng thu nhập từ chăn nuôi, vợ chồng anh cũng lãi ròng trên 150 triệu đồng/năm. Chưa kể 7 vạn cây keo, bạch đàn đến nay đã gần cho thu hoạch với giá trị kinh tế không dưới 6 tỷ đồng.
Anh Sơn cho biết, cách đây 5 năm, bãi đất hoang ở thôn Phú Quý liên tục bị sạt lở do một nhánh sông La chảy qua. Vào mùa lũ nước dâng cao, uy hiếp đê La Giang. Song từ ngày được rừng cây phủ xanh, phần đất của gia đình anh Sơn chạy dọc nhánh sông La gần 2km không bị sạt lở nữa, mà đê La Giang cũng được bảo vệ.
Ông Hoàng Xuân Việt - Chủ tịch UBND xã Đức Nhân cho biết: Kè đê chạy qua xã Đức Nhân dài hơn 4km, thì gần 2km đường kè xung yếu đã được rừng của vợ chồng Sơn - Nga bảo vệ.
Hữu Anh
Nguồn:danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn