Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Nguyễn Tiến Đông cho biết, tính đến ngày 30/10, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 8,63% so với cuối năm 2013. Thời gian qua, NHNN đã ban hành một số chính sách tín dụng hỗ trợ cho 5 lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD cân đối đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay 5 lĩnh vực này. Nhờ đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Khơi thông dòng tín dụng
Sức cầu nền kinh tế chưa cải thiện nhiều nên các TCTD đã, đang nỗ lực để đẩy tín dụng vào nền kinh tế nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, hướng dòng tín dụng vào sản xuất, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng tam nông được coi là một điểm sáng trong tăng trưởng tín dụng, hàng triệu hộ gia đình, DNNVV ở khu vực nông thôn đã được tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tiến Đông cho biết, từ năm 2011 trở lại đây, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng tương đối ổn định so với tổng dư nợ nền kinh tế, ở mức 19%-20%. Về cơ cấu tín dụng, tính đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm 19% dư nợ nền kinh tế, tăng 7% so với cuối năm 2013.
Nhờ được tiếp sức từ những đồng vốn vay ngân hàng kịp thời, nhiều nông dân đã thoát được đói nghèo. Chứng kiến niềm vui của anh Mai Văn Đảng, đội 12 xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh (Nam Định) chúng tôi phần nào thấy được hiệu quả của đồng vốn Agribank. Anh Đảng cho biết, nhờ tiếp cận 50 triệu đồng nguồn vốn của Agribank, anh đã đầu tư vào chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện được đời sống gia đình.
Còn anh Cao Văn Công, ở thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La), được vay 500 triệu đồng tại Agribank chi nhánh Mộc Châu đầu tư trồng cây ăn quả trên diện tích 7 ha với 800 cây xoài, 500 cây bơ, 700 cây nhãn, 200 cây mắc ca. Số cây ăn quả này mới cho thu hoạch nhưng trung bình mỗi vụ gia đình anh cũng thu được 1 tỷ đồng. “Qua nghiên cứu chất đất, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Mộc Châu, thấy đây là vùng cao nguyên, có khí hậu ôn đới gió mùa, bởi vậy trái cây thường ra trái vụ, cây ít sâu bệnh nên giá bán trái cây thường cao hơn 10 nghìn đồng/kg. Hầu hết trái cây đều đã được các thương lái ở Hà Nội đặt hàng mua”, anh Công chia sẻ.
Đồng vốn dịch chuyển mạnh vào ngành lĩnh vực ưu tiên
Một trong những điểm tích cực của diễn biến tín dụng trong 3 năm gần đây là đang có sự dịch chuyển theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Theo số liệu của NHNN, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung.
Theo báo cáo của TCTD tính đến cuối tháng 9/2014, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 15,4% so với cuối năm 2013. Trong 10 tháng đầu năm 2014 doanh số cho vay thu mua lúa gạo toàn quốc ước đạt 84.400 tỷ đồng, dư nợ tăng khoảng 18,6% so với 31/12/2013. Đối với lĩnh vực thủy sản, tính đến 31/10/2014, dư nợ cho vay trên phạm vi cả nước ước đạt khoảng 56.000 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ cho vay tại 5 NHTM Nhà nước, theo văn bản số 1149/QĐ-TTg ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách cấp bách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đạt khoảng 40.300 tỷ đồng, tăng 12,48% so với 31/12/2013. Các NHTM Nhà nước cũng tích cực thực hiện gia hạn nợ đối với lĩnh vực này với tổng dư nợ được gia hạn khoảng trên 4.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, NHNN đã khẩn trương chỉ đạo Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố ven biển và hệ thống NHTM triển khai tích cực. Ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, ngành Ngân hàng cam kết đảm bảo đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của bà con ngư dân đóng mới trên 2.000 tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Đến nay, riêng 5 NHTM đã cam kết dành 14 nghìn tỷ đồng để cho vay chương trình này.
Trên cơ sở văn bản hướng dẫn và chỉ đạo của NHNN, các NHTM đang tích cực triển khai để đưa Nghị định 67 vào cuộc sống. Ông Tiết Văn Thành, Quyền Tổng giám đốc Agribank - một trong những ngân hàng “trụ cột” triển khai chương trình này cho biết, các chi nhánh Agribank ở giáp biển đã tiếp tục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và tiếp cận với khách hàng có nhu cầu vay vốn đóng tàu để tư vấn về các quy định của Agribank.
“Agribank dự kiến dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng để cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67, riêng trong năm 2014 phấn đấu giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực thủy sản của Agribank hiện đạt 29.755 tỷ đồng”, ông Thành nói.
Tiếp xúc với những ngư dân ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự hồ hởi của người dân nơi đây với thông tin về việc triển khai Nghị định 67 giúp ngư dân đóng tàu sắt để vươn khơi xa hơn. Ngư dân Hoàng Anh Tuấn ở xã Nghĩa An cho biết, gia đình hiện có 2 đôi tàu giã cào. Để có vốn đóng tàu, anh đã vay vốn tại Agribank chi nhánh Tư Nghĩa với dư nợ 2,9 tỷ đồng. “Việc các ngân hàng triển khai Nghị định 67, hỗ trợ nhiều hơn cho ngư dân thì chắc chắn nguồn lợi thủy sản thu được nhiều hơn”, anh Tuấn khẳng định.
Hàng loạt các dự án cho vay theo mô hình chuỗi liên kết đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho các sản phẩm hàng hóa lớn, có tính chất chuyên sâu cao, tạo sức mạnh liên kết theo chuỗi.
Đến nay, tổng số DN được phê duyệt tham gia chương trình cho vay thí điểm là 28 DN để triển khai 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố với số tiền các NHTM đã ký kết lên tới hơn 4.600 tỷ đồng. Đây là 28 DN tiêu biểu đại diện cho 8 ngành nghề sản xuất nông nghiệp có thế mạnh tại 5 khu vực trên toàn quốc. Lãi suất cho vay của chương trình này từ 7% - 10,5%/năm. Hạn mức cấp tín dụng có thể tới 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; trường hợp khách hàng không đủ tài sản đảm bảo khoản vay mà NHTM kiểm soát được dòng tiền theo chuỗi liên kết thì có thể xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo.
Các giải pháp và chính sách tín dụng trên của NHNN đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đảm bảo vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, nhất là tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, có thế mạnh. Trong đó, tín dụng dành cho tam nông được coi là một điểm sáng trong tăng trưởng tín dụng, hàng triệu hộ gia đình, DNNVV ở khu vực nông thôn đã được tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn