LỄ HỘI MÙA XUÂN CHÙA ĐÁ – THẠCH ĐỘNG TỰ
Lễ hội được diễn ra với chủ đề Mừng xuân Di lặc – Tết nguyên đán. Đây là năm đầu tiên, lễ hội được tổ chức với quy mô hoành tráng từ khi Chùa Đá được trùng tu, xây dựng lại. Theo đó từ ngày 28 đến ngày mồng 6 tết nhiều nghi lễ linh thiêng truyền thống đã được diễn ra tại đây như: Lễ tất niên, khai hội hoa, khai chuông bảng, thỉnh Chư thiên đón giao thừa. Khai lộc, tụng kinh cầu an đầu năm. Khai kinh dâng sớ, du xuân chúc tết, giải hạn tam tai. Từ ngày mồng 7 – 18 tháng giêng sẽ có lễ Dâng sao giải hạn, giải hạn tam tai, dâng sớ cầu an, sám hối đầu năm. Lễ đốt nến cầu tiêu tai giải hạn sẽ được tổ chức vào đúng rằm nguyên tiêu. Tiếp đó là lễ hầu đồng khai lộc mẫu đầu năm, lễ hội kết thúc vào ngày 18 với lễ tụng kinh Cúng Tổ.
Chùa Đá được xây dựng cách đây trên 600 năm. Ngày 28/2/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 732/QĐ-UBND về việc công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với chùa Đá, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Thể theo tâm nguyện của đông đảo phật tử và nhân dân, được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền, Chùa Đá đã được tôn tạo với quy mô lớn, đặc biệt là nhà Tam Bảo, Điện Mẫu, Động Đá, Quán Âm Các, chuông và tượng Phật bằng đồng.
Chùa Đá trong lễ hội mùa xuân Đinh Dậu thật nguy nga và lộng lẫy. Kiến trúc này là thành quả công đức của hàng nghìn con em quê hương của nhiều dòng họ khắp cả nước. Sau khi hoàn thành chùa Đá không chỉ là nơi quy hướng tâm linh của người đệ tử Phật, mà còn là địa chỉ văn hóa lịch sử trong quần thể di tích đáng để du khách thập phương vãn cảnh chiêm bái, học tập.
Với những giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh của mình, chùa Đá đã góp thêm cho quê hương Đức Thọ một địa chỉ đỏ bên cạnh những thắng cảnh nổi tiếng như: chùa Am, Nhà thờ và khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú; nhà thờ và khu mộ nhà ái quốc Phan Đình Phùng, nhà thờ Bùi Dương Lịch, Khu mộ Lê Bôi...
Theo Thanh Tình – Ngọc Luyến/ductho.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn