Cũng như nhiều người dân Tàm Xá, anh Đức gắn bó với làng quê, đồng ruộng. Vì vậy, anh rất thấu hiểu cái khó, cái nghèo, cái vất vả của nhà nông. Lớn lên, cưới vợ, anh mạnh dạn thuê đất, vay tiền bạn bè xây dựng trang trại.
“Có tiền rồi, nhưng hồi đó, suy nghĩ làm cái gì và làm như thế nào với tôi vẫn chưa hiện hình rõ nét. Vợ chồng tôi chỉ biết mua lợn giống về nuôi rồi bán lợn thịt. Đầu tiên là vài con, dần dần số đầu lợn tăng thêm, theo đó, kinh tế của gia đình tôi cũng dần được cải thiện”- anh Đức tâm sự.
Chuồng nuôi lợn giống của anh Đức. |
Theo anh Đức: “Để có thành công trong công việc, tôi phải tìm đọc sách báo, tài liệu chăn nuôi lợn; rồi nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Khi tích luỹ được chút kiến thức, kinh nghiệm, vợ chồng tôi quyết định làm lớn luôn”.
Năm 1994, anh mua 55 nái ngoại và một số lợn giống về bán cho bà con trong xã. “Lúc đó tôi gặp rất nhiều khó khăn, mới nuôi lợn nái kinh nghiêm chưa nhiều, vốn thì không đủ. May sao tôi được Phòng Khuyến nông huyện hỗ trợ nên tôi thực hiện được ước mơ mở rộng trang trại của mình”.
Cái chuyện “làm lớn” của vợ chồng anh bắt đầu từ việc lặn lội theo lời giới thiệu của bạn bè để tìm mua cho bằng được loại lợn giống chất lượng cao. Theo anh Đức kể thì đó là những ngày vất vả nhất. Vất vả vì phải lần mò, chập chững những bước chân đầu tiên đi lên chuyên nghiệp. Tất cả mọi việc đều gần như mới mẻ, từ chọn lợn giống, xây dựng hệ thống chuồng trại...
Vẫn chưa hết khó khăn, năm 2010 dịch tai xanh hoành hành, anh không bán được lợn giống vì không ai trong xã dám nuôi lợn nữa. Để bà con yên tâm nuôi lợn, anh bán con giống và cho bà con chịu nửa tiền, khi nào bán được lợn mới phải trả.
Anh Đức cho biết, năm 2012, trừ tất cả chi phí, trại lợn giống của anh thu hơn 200 triệu đồng. Thăm ngôi nhà 3 tầng mới xây khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt của anh Đức, không chỉ chúng tôi mà chắc chắn tất cả mọi người đều khâm phục ý chí dám nghĩ dám làm và biết cách làm giàu của anh.
Trang Lê
danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn