Nghiên cứu do các chuyên gia đến từ Đại học Oxford, Đại học Reading cùng hai cơ sở nghiên cứu khoa học quốc gia là Viện Pirbright Diamond Light Source thực hiện, vừa được công bố trên tạp chí PLOS Pathogens.
Theo các chuyên gia, quá trình sản xuất vắc-xin mới không cần sử dụng vi-rút bị làm yếu như các loại vắc-xin truyền thống – một yếu tố hết sức quan trọng bởi FMD rất dễ lây lan trong khi các cơ sở vắc-xin lưu trữ mẫu vi-rút cũng khó đảm bảo tính an toàn của nó. Bằng cách sử dụng hệ thống tia X, Giáo sư sinh học Dave Stuart ở Đại học Oxford - trưởng nhóm nghiên cứu - và các đồng nghiệp đã tạo ra lớp vỏ prôtêin rỗng tương tự lớp vỏ bao quanh vi-rút FMD nhưng không bao gồm RNA - vật liệu di truyền quyết định cơ chế sao chép của vi-rút. Điểm mấu chốt là họ có thể củng cố cấu trúc của lớp vỏ prôtêin nhằm làm cho nó vững chắc hơn, từ đó nâng cao tính ổn định của thuốc chủng ngừa. Vắc-xin tổng hợp mới đã được thử nghiệm trên một số gia súc và chứng tỏ có hiệu quả phòng bệnh. Hiện nhóm nghiên cứu đang tiến hành một thử nghiệm có qui mô lớn hơn, đồng thời tìm kiếm đối tác để sản xuất vắc-xin thương mại.
Được biết mỗi năm, thế giới sản xuất được từ 3 đến 4 tỉ liều vắc-xin FMD nhưng vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt. Do đó, kết quả này có thể mở ra tiềm năng về loại vắc-xin giá rẻ ở các nước đang phát triển bởi qui trình sản xuất không cần tuân thủ các điều kiện an toàn sinh học tốn kém hay hệ thống lạnh để bảo quản. Ngoài ra, nhóm chuyên gia còn cho biết trong tương lai, phương pháp chế tạo vắc-xin mới có thể được áp dụng để sản xuất vắc-xin phòng chống một số vi-rút gây bệnh trên người như bại liệt và tay chân miệng, căn bệnh gây nguy hiểm cho trẻ em.
VI VI (Theo BBC, Reuters)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn