Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, những năm qua, nhiều gương thương binh trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã vượt khó vươn lên, trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi. Thương binh Nguyễn Văn Chương ở khu phố 1, phường Đông Lương là một điển hình như thế.
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1977 ông Chương được điều động sang chiến đấu giúp nước bạn Campuchia trong vai trò là trinh sát. Năm 1981, trong lúc làm nhiệm vụ ông bị vấp phải mìn và vĩnh viễn để lại một bên chân trên nước bạn. Xuất ngũ trở về địa phương năm 1983 với thương tật hạng 2/4, nhưng với phẩm chất người lính Cụ Hồ không chịu khuất phục trước khó khăn, ông quyết tâm học nghề và làm giàu bằng chính cái nghề mình đã chọn.
Dù đi lại khó khăn do bị mất một chân, nhưng người thương binh ấy vẫn chăm chỉ lặn lội ra Quảng Bình, Vĩnh Linh để học nghề mộc và làm thợ cho các cơ sở mộc ở nhiều địa phương khác, vừa kiếm thêm thu nhập nuôi sống bản thân vừa nâng cao tay nghề. Năm 1995, ông trở về địa phương và mở xưởng mộc nhỏ. Tỉ mẩn trong từng sản phẩm và coi trọng uy tín với khách hàng, xưởng mộc của ông chủ thương binh nặng Nguyễn Văn Chương ngày càng được nhiều khách hàng tìm đến.
Đến nay, qua gần 20 năm phát triển, quy mô cơ sở mộc dân dụng của ông được mở rộng trên diện tích 600 m2 với hàng chục máy cưa, xẻ, bào và máy xẻ gỗ. Sau khi trừ chi phí, cơ sở mang lại nguồn thu cho gia đình ông từ 70 đến 80 triệu đồng/năm. Đặc biệt, từ 5 lao động ban đầu đến nay cơ sở mộc của ông đã có 15 đến 20 lao động làm việc thường xuyên với mức lương bình quân 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Tất cả nhân công đều là con em của cựu chiến binh và bộ đội xuất ngũ. Có được việc làm ổn định với thu nhập khá đã giúp cho các lao động ở đây cải thiện cuộc sống gia đình.
Vốn xuất thân từ nghèo khó và đi lên bằng ý chí và nghị lực, ông Chương luôn sẻ chia và quan tâm đến người lao động. Tận tình hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm làm nghề cho anh em ở cơ sở, động viên thăm hỏi họ khi họ ốm đau bệnh tật cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người lao động yên tâm làm việc. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, trở về với đời thường, người thương binh ấy không quên trách nhiệm công dân của mình với địa phương, tích cực nhiệt tình tham gia công tác xã hội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, làm đường giao thông, điện chiếu sáng, đóng góp các loại quỹ, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhiều năm liền, ông luôn được tuyên dương là CCB làm kinh tế giỏi, gia đình ông luôn được công nhận là gia đình văn hóa, 3 người con của ông đều học giỏi chăm ngoan.
Những ngày tháng 7 này, cơ sở mộc của ông càng nhộn nhịp hơn khi các đoàn cựu chiến binh nước bạn Lào và các tỉnh, thành phố khác đến tham quan và học hỏi. Đây cũng là dịp để ông được sẻ chia kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh cũng như những trăn trở của cuộc sống đời thường với đồng đội, đồng chí một thời. Giờ đây, niềm vui của ông là sống, lao động và cống hiến, đóng góp sức mình để giúp đỡ đồng chí, đồng đội và xây dựng quê hương ngày một phồn vinh.