Người dân được lợi
Sau khi kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý các cấp, Tuần Giáo đã tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi họp xã, bản; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về chương trình XDNTM, phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để cán bộ và nhân dân hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó cùng tham gia thực hiện chương trình.
Trong công tác lập quy hoạch, huyện luôn quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn giúp các xã khảo sát, thẩm định hồ sơ, đồ án quy hoạch trình UBND huyện phê duyệt. Đến nay, đã có 3/18 xã hoàn thành đề án XDNTM, 13/18 xã đã hoàn thành và phê duyệt đồ án.
Trong quá trình triển khai XDNTM, Tuần Giáo đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập. Theo đó, huyện triển khai đề án sản xuất giống ngô CP888 chất lượng cao cho xã Quày Nưa với khối lượng 1.500kg ngô giống, 750 hộ được hỗ trợ. Hay hỗ trợ giống cây ăn quả, giống dê sinh sản, phân bón cho người dân, tổng kinh phí lên tới 1.545 triệu đồng trong 2 năm 2012 - 2013. Chưa kể một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Rừng Việt Tây Bắc, Công ty cổ phân Cao su Điện Biên đã có chính sách hỗ trợ người dân trồng hàng ngàn hecta cao su, hàng ngàn hecta rừng nguyên liệu, góp phần ổn định đời sống đồng bào.
Đến nay, nhiều tuyến đường liên thôn, bản ở nhiều xã đã được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như phát triển kinh tế, ví dụ như đường giao thông bản Sáng, xã Quài Cang. Trước đây, đường chỉ rộng 1m, là đường đất nên bà con đi lại rất khó khăn, bằng nguồn vốn nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay, tuyến đường dài 983m, rộng 4m đã được bê-tông hóa, trị giá 1.450 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 350 triệu đồng thông qua hiến đất, ngày công lao động.
Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Đến nay, bộ mặt nông thôn Tuần Giáo đã có sự chuyển biến rõ rệt, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Đó là kết quả tổng hợp của các chương trình hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo bền vững...”.
Một số đề xuất
Bà Tuyên cho biết thêm: “Với đặc thù là huyện miền núi nên trong quá trình triển khai XDNTM có những tiêu chí khó, cần được điều chỉnh cho phù hợp. Điển hình như tiêu chí chợ nông thôn, không nhất thiết xã nào cũng phải có chợ vì thiếu mặt bằng, địa hình phức tạp, nhiều nơi có chợ nhưng ít người họp. Theo tôi, ở các xã miền núi, có thể làm chợ theo từng cụm hay thành vùng tập trung”.
Theo bà Tuyên, thời gian tới, Tuần Giáo sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống người dân, tạo tiềm lực để cùng Nhà nước xây dựng thành công chương trình XDNTM.
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhiều kiến nghị đã được đề xuất, như: huyện cần có chính sách hỗ trợ cây - con giống, đưa nhiều cây - con giống có năng suất cao, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương vào nuôi, trồng; đồng thời cần tập trung cải tạo đàn lợn, bò, dê, từ đó hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Trong lâm nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người trồng rừng, với mức 50 - 60 triệu đồng/ha; phát triển các loại cây trồng dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Thảo quả, sa nhân…, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ được rừng.
“Trung ương và tỉnh cần có chính sách để các doanh nghiệp đến đầu tư thu mua, chế biến nông sản ở khu vực miền núi; đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho lao động, xem xét lại chính sách đầu tư phát triển rừng, trang trại phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương”.
Hoàng Văn
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn