20:47 EST Thứ tư, 25/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Ngành sản xuất, chế biến cá tra: Bao giờ qua “bĩ cực”?

Thứ hai - 03/12/2012 03:49
Thời điểm con cá tra “dễ nuôi, dễ ăn” đã qua. Giờ đây, cả người nuôi lẫn doanh nghiệp (DN) đều gặp sóng gió bởi giá cá luôn ở mức thấp. Điều này khiến ngành thủy sản khó có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6,2 tỷ USD trong năm 2012. Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình này sẽ chậm được cải thiện trong năm tới.

Nông dân thua lỗ vì phải bán cá tra dưới giá thành.

Luẩn quẩn trong thua lỗ

Nghe phong phanh thông tin đến cuối năm, nguồn cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu sẽ khan hiếm nên không ít nông dân hăm hở bắt tay vào thả nuôi, với hy vọng gỡ lại phần nào thua lỗ vụ trước. Tuy nhiên, mọi hy vọng đã không thành vì giá cá tra loại 1 hiện chỉ còn dưới 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất ở mức 25.000 đồng/kg, khiến bà con lỗ tới 5.000 đồng/kg (cùng kỳ năm ngoái, giá cá tra nguyên liệu ở mức 27.000 - 28.000 đồng/kg).

Gia đình ông Nguyễn Văn Năm nuôi 5ha cá tra ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú - An Giang) cho biết, nếu bán cá lấy tiền chậm thì mới được 22.000 đồng/kg; còn lấy tiền ngay thì chỉ được 19.000 - 20.000 đồng/kg (loại đúng chuẩn 0,8 kg/con). “Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì biết đến bao giờ chúng tôi mới thu lại vốn?”, ông Năm than thở.

Việc nuôi cá tra bị thua lỗ triền miên khiến nhiều nông dân “sợ” dây vào cá. Sau cú sốc lỗ hàng trăm triệu đồng vào năm 2007, ông Phan Văn Long ở phường Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy - Hậu Giang) đành “treo” ao. Mãi đến năm 2011, ông mới vay tiền nuôi trở lại, nhưng do giá xuống thấp nên lại lỗ tiếp. Đầu năm 2012, ông Long thấy giá cá tra nguyên liệu ở mức cao nên mạnh dạn vay thêm mấy trăm triệu đồng để thả nuôi tiếp, với mong muốn gỡ gạc phần nào để giải quyết khoản nợ 1,5 tỉ đồng vay ngân hàng. Vậy mà giá cá tra nguyên liệu lại giảm liên tục, khiến ông Long lo sốt vó. “Nếu vụ này trả được hết nợ ngân hàng, tui sẽ không nuôi nữa. Thật tình tui quá sợ nghề nuôi cá tra nhiều rủi ro này”, ông Long thất vọng nói.

Tâm sự của ông Long cũng là nỗi lo chung của người nuôi cá tra ở ĐBSCL. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 68 cơ sở nuôi cá tra ngừng hoạt động, chỉ còn 235 cơ sở nuôi cá với diện tích mặt nước 308ha, giảm 16ha so với trước. Còn tại Đồng Tháp, 80ha ao nuôi của bà con vẫn tiếp tục “treo” do không có vốn tái đầu tư.

Không những chịu áp lực bởi tình trạng giảm giá, người nuôi cá tra còn luôn trong cảnh lo sợ thương lái “quỵt tiền”, bởi hầu hết bà con không ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với thương lái, DN ngay từ đầu mà thường chờ đến ngày ao cá gần thu hoạch mới tìm người mua. Vì vậy, khó tránh khỏi chuyện bị thương lái ép giá, chậm trả tiền, thậm chí “quỵt nợ”, nhất là trong cảnh thị trường bất ổn như hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An (TP. Cần Thơ) cho biết: “Giờ chỉ những hộ nuôi gia công cho DN là còn tồn tại, mà năm nay DN cũng “chết” nhiều vô kể, không biết tới đây chúng tôi sẽ đi đâu, về đâu…”.

DN tự “giết” nhau

Theo các chuyên gia, việc giá cá tra xuất khẩu (XK) giảm mạnh là do chính các DN đua nhau giảm giá để chào hàng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã từng khuyến cáo, giá cá tra XK phải ở mức tối thiểu 3 USD/kg thì mới bảo đảm các bên có lãi, song trên thực tế, lúc thị trường ổn định, DN cũng chỉ bán được với giá 2,5 USD/kg, còn hiện đang chào giá 1,8 - 2,3 USD/kg, khiến DN lỗ từ 0,2-0,7 USD/kg, điều này kéo theo giá cá nguyên liệu giảm. “Tình thế “cùng kéo nhau xuống hố” này là do có quá nhiều DN tham gia XK, dẫn đến mạnh ai nấy bán”, đại diện của VASEP cho biết.

Cùng chung ý kiến, Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến cá tra xuất khẩu An Giang cho rằng, cái “chết” của các DN hiện nay chính là do thiếu tiếng nói chung. Hầu hết DN chỉ muốn mình chiếm phần hơn, và họ “giẫm đạp” lên nhau để có được phần bánh ngon của thị trường, chứ ít nghĩ tới việc chia sẻ, liên kết.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng sản lượng cá tra vùng ĐBSCL đạt khoảng 1,2 triệu tấn/năm, nhưng công suất của các nhà máy chế biến lên tới 2,5 triệu tấn/năm nên để có nguồn cá đầu vào, các DN phải chạy đua giành giật thị trường, giảm giá bán và nguy hiểm hơn là giảm cả chất lượng sản phẩm. Đáng nói là vòng luẩn quẩn này diễn ra từ nhiều năm nay, chứ không phải khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

 

Thiếu vốn là tình trạng chung của nhiều DN sản xuất, chế biến cá tra hiện nay.


Một số DN cho biết, giá cá nguyên liệu từ nay đến cuối năm sẽ khó có thể tăng thêm do các hợp đồng XK dịp lễ, Tết đã ký xong. “Thiếu đủ bao nhiêu, các DN đã nắm chắc, giờ chỉ lo làm hàng giao cho đối tác thôi, chứ hy vọng ký thêm hợp đồng mới để đẩy giá cá tăng thêm là không thể, do thị trường XK trầm lắng”, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cafatex (Hậu Giang) phân tích.

 

Điệp khúc... thiếu vốn

Có một thực tế là hiện nay, cả DN lẫn người nuôi cá đều thiếu vốn, đặc biệt là nông dân, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng vì không còn tài sản thế chấp. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn ao nuôi cá tra tiếp tục bị “treo”. Một đại diện ngân hàng nhà nước khu vực ĐBSCL cho biết: “Nếu cho các hộ này tiếp tục vay, tức là đẩy họ vào cảnh nợ chồng chất, còn ngân hàng thì “ôm” thêm nợ xấu”.

Theo Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng, khó khăn lớn nhất của ngành sản xuất, chế biến cá tra hiện nay là thiếu vốn chứ không phải thị trường sụt giảm. “Trước đây, 70% sản lượng cá tra là do nông dân nuôi nhưng nay tỷ lệ này thuộc về DN, trong khi hầu hết DN lại thiếu vốn. Và tình cảnh khó khăn này có thể kéo dài đến năm 2013”, ông Dũng phân tích.

Để đầu tư nuôi 1ha cá tra, riêng vốn cho cá giống đã khoảng 1,4 tỉ đồng, thời gian nuôi kéo dài 8-10 tháng, nhưng hạn mức cho vay đối với nông dân thì rất hạn chế, chưa được một nửa chi phí đầu tư. Tuy nhiên, dù nông dân có muốn vay cũng không được, bởi tài sản thế chấp đều đã nằm trong ngân hàng từ những lần vay trước.

Trong khi đó, DN cũng kêu thiếu vốn. Ông Dương Ngọc Minh, Ủy ban Cá nước ngọt của VASEP cho biết, dù giá cá tra rẻ hơn giá thành nhưng DN không có tiền để mua. Hiện, chỉ có 20% số DN đang tồn tại và phát triển, còn lại đang gặp khó khăn vì phụ thuộc vào nguồn vốn eo hẹp của ngân hàng. Trong số này, 30% số DN đang trong tình trạng “hấp hối”.

Đáng lưu ý là, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến tháng 9/2012 đã có trên 38.200 tỉ đồng cho vay phục vụ nuôi trồng, tiêu thụ cá tra. Dư nợ cho vay đạt trên 20.700 tỉ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2011. “Nhưng thực tế thấy, nhiều người nuôi và DN không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này, không hiểu số tiền này đi đâu? Cần phải kiểm tra lại mục đích vay, liệu họ có đầu tư đúng mục đích hay không?”, ông Dũng nêu.

Cần “thanh lọc”

Để vực dậy ngành sản xuất, chế biến, XK cá tra, ông Dũng cho rằng, cần “thanh lý” bớt DN tham gia sản xuất mà không có nhà máy. Đặc biệt, cần kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc sử dụng hóa chất nuôi cá tra, thậm chí cấm sử dụng hóa chất tăng trọng. “Cần tiến tới nói không với chất tăng trọng cho cá tra và trước mắt thực hiện nghiêm đối với sản phẩm xuất sang thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản”, ông Dũng nói.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho rằng, cần có ngay giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người nuôi và DN chế biến XK cá tra. “Các giải pháp này chậm thì hậu quả sẽ rất nặng cho khu vực ĐBSCL. Hiện tại, cả nông dân và DN không tiếp cận được vốn vay. Nếu gói hỗ trợ mà kèm theo điều kiện “đòi thế chấp tiếp” họ sẽ không thể vay được. Vì thế, các cơ chế, chính sách đưa ra phải lường trước được tình hình của nông dân, DN hiện nay để điều chỉnh hợp lý”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Trước tình hình khó khăn của ngành thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản khẩn trương xây dựng thông tư quy định về hàm lượng, các chất phụ gia tăng trọng… để nâng chất lượng cá tra. “Đặc biệt cần có biện pháp chống tình trạng gian lận, phá giá, góp phần bình ổn thị trường xuất khẩu cá tra đang xuống dốc”, Bộ trưởng yêu cầu.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chính phủ đã có nghị quyết giao Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng đề án tăng cường xúc tiến thương mại đối với cá tra. Bộ đã giao Tổng cục Thủy sản và yêu cầu sớm trình để ban hành thực hiện ngay từ năm 2013. “Bộ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo để các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với DN sản xuất, XK cá tra. Bộ sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng để xin tháo gỡ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Người nuôi cá tra đang tìm cách giảm chi phí bằng việc hạn chế lượng thức ăn và số lần cho ăn trong ngày. Đặc biệt, sau khi Chi cục Thủy sản Vĩnh Long áp dụng mô hình cho cá ăn 7 ngày, “nhịn” 2 ngày thì thấy, tỷ lệ cá sống của ao cho ăn liên tục là 66,2% và ao cho ăn 7 ngày ngừng 2 ngày là 74,23%. Chi phí sử dụng thuốc và hóa chất ở phương pháp này giảm đáng kể.

 

Thiên Hương

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 186

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 184


Hôm nayHôm nay : 53782

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1125957

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72808666