Vườn ươm hiện đang trong giai đoạn xây lắp, mua sắm trang thiết bị, dây chuyền công nghệ, kiện toàn nhân sự… để chính thức đi vào hoạt động sản xuất trong năm 2013.
Theo khảo sát của Ban Quản lý Dự án Phát triển lâm nghiệp Lâm Đồng, nhu cầu trồng rừng trong các dự án hàng năm ở Lâm Đồng hiện nay từ 9 - 10 triệu cây giống, gồm các loài cây giống đang trồng phổ biến như thông 3 lá, keo, muồng đen và một số loài cây đặc hữu khác như thông đỏ, pơ mu, bách xanh, thủy tùng… Trong 10 cơ sở vườn ươm của 10 đơn vị lâm nghiệp hiện có trong tỉnh Lâm Đồng, có 9 vườn ươm sản xuất phần lớn cây giống thông 3 lá bằng gieo hạt, còn lại 1 vườn ươm sản xuất các giống cây keo tai tượng, keo lai bằng phương pháp giâm hom. Bên cạnh đó có khoảng 30 cơ sở vườn ươm quy mô nhỏ của hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ cũng đang sản xuất cây giống rừng với phương pháp thủ công tương tự, đã nâng tổng số cây giống rừng được sản xuất và tiêu thụ hàng năm ở Lâm Đồng từ 4 - 5 triệu cây.
Đánh giá của Ban Quản lý Dự án Phát triển lâm nghiệp Lâm Đồng cho biết, thực trạng số lượng vườn ươm cây giống lâm nghiệp ở Lâm Đồng nói trên còn mang tính tạm thời, nhà sản xuất, trang thiết bị sơ sài, kỹ thuật gieo ươm hạt thủ công, nên chất lượng cây giống không cao. Số vườn ươm khác sản xuất bằng phương pháp giâm hom, nhưng thiếu vườn cây đầu dòng, độ đồng đều của cây giống sản xuất ra còn ở tỷ lệ thấp. Trước mục tiêu tăng năng suất trồng rừng từ 20 - 30% trong những năm tới, việc xây dựng vườn giống cây rừng công nghệ cao ở Lâm Đồng là một yêu cầu bức thiết. Bởi vậy, Ban Quản lý Dự án Phát triển lâm nghiệp Lâm Đồng đã quyết định chọn vườn ươm của Cty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Di Linh để nâng cấp thành vườn sản xuất cây giống rừng công nghệ cao. Đây là địa điểm thuận tiện có nguồn điện lưới quốc gia, có nguồn suối nước tự chảy để sản xuất, cung ứng cây giống đạt các tiêu chuẩn chất lượng cao, cung cấp trực tiếp cho các địa bàn trồng rừng tập trung của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nguyên và cả nước nói chung.
Được biết với nguồn vốn tài trợ khoảng 15 tỷ đồng, vườn ươm cây rừng công nghệ cao ở huyện Di Linh, Lâm Đồng sẽ mở rộng diện tích từ 0,8 ha lên 1,5 ha, trong đó diện tích nhà kính là 2.800 m2, có mái thông gió, xung quanh phủ lưới che, bên trong khép kín hệ thống nước tưới tự động công nghệ cao. Kế tiếp là khu vườn chăm sóc nguồn giống đầu dòng với diện tích khoảng 500 m2, mái che bao phủ bằng ni lông, bên trong lắp đặt hệ thống công nghệ tự động tưới nhỏ giọt. Trong khu vực còn xây dựng một trạm bơm nước hoạt động với công suất 500 lít/phút. Một hệ thống ống dẫn nước (gắn thiết bị tự động lọc nước sạch) nối từ trạm bơm đến nhà kính, nhà che bóng và nhà vườn đầu dòng với đường kính ống từ 50 - 70 mm. Đặc biệt trong vườn ươm công nghệ cao này, được chọn một vị trí “đắc địa” nhất để xây dựng một tòa nhà nuôi cấy mô có diện tích 360 m2 (12x30 m)…
Với 3 phương pháp tạo giống cây rừng mới là gieo hạt giống, nuôi cây cấy mô và giâm hom, chăm sóc, nuôi dưỡng cây con trên khay nhựa (cả vườn ươm khoảng 55 ngàn khay, mỗi khay 40 ô nhựa), giá thể trong khay với thành phần chính là mùn xơ dừa trộn với phân chuồng và các yếu tố dinh dưỡng khác, mỗi năm sẽ xuất vườn thành 2 đợt trong mùa trồng rừng ở Lâm Đồng (trồng vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9), đạt năng suất từ 2 - 2,5 triệu cây rừng giống công nghệ cao, đảm bảo hoàn toàn sạch bệnh. Ông Hồ Quốc Thạnh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển lâm nghiệp Lâm Đồng nói rằng, đây là lần đầu tiên Lâm Đồng xây dựng và đưa vào hoạt động vườn ươm giống cây rừng công nghệ cao tại huyện Di Linh nhằm góp phần tăng cường chất lượng trồng rừng, giảm thiểu tác hại do trồng rừng từ cây giống kém chất lượng.
Ngày 12/12/2012 - Theo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn