Năm 2014, từ nguồn đầu tư của tỉnh và từ nhiều nguồn vốn khác, Đại Lộc đã làm nhiều công trình giao thông trọng điểm như nâng cấp cầu Quan Âm, mở rộng tuyến đường ĐT609, đoạn km 27+37 từ Hà Nha đi Hà Tân, tuyến ĐT609 từ Điện Hồng đến ngã tư thị trấn Ái Nghĩa… Cũng trong năm qua, huyện đã tổ chức nghiệm thu quyết toán bảo trì sửa đường bộ đối với các tuyến ĐH4.ĐL, ĐH11.ĐL. Bến xe khách Đại Lộc cũng đã đưa vào hoạt động, được công nhận đạt chuẩn loại 3. Hạ tầng giao thông nông thôn toàn huyện cũng không ngừng được cải thiện, làm mới 16,87km đường bê tông. Nhiều tuyến, nhiều đoạn ĐX, ĐH trên địa bàn được nâng cấp, dặm vá; các tuyến hành lang bị lấn chiếm, che khuất tầm nhìn giao thông cũng đã được giải tỏa; nhiều điểm đen đã được xử lý…
Bên cạnh những công trình trọng điểm, nhiều tuyến giao thông liên xã, liên thôn cũng được đầu tư tạo sự khớp nối, thông suốt. Ảnh: Hoàng Liên |
Ông Lê Tấn Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đại Lộc thông tin: “Năm 2015, Đại Lộc có 2 công trình giao thông được tỉnh đầu tư với quy mô lớn là cầu Giao Thủy và dự án mở rộng, nâng cấp tuyến ĐH3 từ Quảng Huế đi các xã vùng B tới xã Đại Hồng lên tuyến ĐT và đấu nối với QL14B. Công trình được đầu tư gồm dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT 609 phía tây cầu Ái Nghĩa đi xã Đại Đồng, giáp với tuyến đường Hà Nha - Hà Tân dài 10km đã được làm trước đó và tuyến ĐT 609B đoạn ngã tư Ái Nghĩa - cầu Hòa Đông - Đại Hiệp. Năm nay, cũng là năm đầu tiên huyện thực hiện đề án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐH. Do nguồn vốn hạn chế nên trước mắt, huyện sẽ chọn các tuyến trọng yếu, lưu lượng xe lớn, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư trước”. Cũng theo ông Ngọc, năm nay huyện tiếp tục đầu tư, nâng cấp khớp nối nhiều tuyến đường ĐX với ĐH, trong đó ưu tiên phát triển giao thông vùng B Đại Lộc. Mục tiêu là tạo hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn, thông suốt để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Đặng Hùng Trận cho hay: “Tuyến ĐT609B, đoạn từ ngã tư Ái Nghĩa tới cầu Hòa Đông từng ẩn chứa nhiều “nút đen” về tai nạn giao thông. Năm 2015 sẽ được mở rộng lòng lề đường. Cùng với đó là xây dựng tuyến ĐH từ khu vực cầu Hòa Đông, Trường THCS Nguyễn Trãi đấu nối với tuyến QL14B đi Đà Nẵng. Để thực hiện đề án, sẽ buộc phải giải tỏa Trường THCS Nguyễn Trãi, xóa bỏ những đoạn đường cong nguy hiểm và biến khu vực này thành một nút giao lộ trọng điểm, tạo sự khớp nối liên hoàn giữa các tuyến trọng điểm ĐT, ĐH, ĐX trên địa bàn huyện với QL14B đi Đà Nẵng” - ông Trận nói. Năm 2015 là cột mốc đánh dấu sự đầu tư, đột phá mạnh về hạ tầng giao thông liên hoàn trên địa bàn huyện với tổng kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Đó cũng là bước đột phá của huyện sau 40 năm giải phóng bởi hạ tầng giao thông là nhân tố quyết định cho sự phát triển, tạo động lực phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch của huyện Đại Lộc.
TRIÊU NHAN
Theo Báo Quảng Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn