Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Bình đã có nhiều thay đổi. Sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết, nhưng giúp cho bà con biết sản xuất, tự làm ra lương thực, thực phẩm để ổn định đời sống lâu dài là điều quan trọng hơn. Giờ đây, người Rục, người Sách... còn được Bộ đội biên phòng (BĐBP) dạy cách trồng lúa nước. Sau mỗi vụ lúa, niềm vui như lan tỏa khắp các bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn.
Cánh đồng dưới chân dãy Giăng Màn
Bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nằm dưới chân dãy núi Giăng Màn. Trưa, nắng vàng rộm trải đều trên tuyến đường lên biên giới. Cùng với các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) Cha Lo, chúng tôi xuống bản Ka Ai để chứng kiến không khí vào mùa bận rộn nơi đây. Thiếu tá Ngô Thanh Tuấn, Chính trị viên phó Đồn BPCKQT Cha Lo giới thiệu đây là vụ lúa nước đầu tiên ở Ka Ai. Bản biên giới này có 72 hộ, 323 nhân khẩu là người Sách, Mày (dân tộc Chứt) định cư. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình đồi núi dốc, dân trí hạn chế cho nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Để giúp bà con xóa đói nghèo bền vững, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình quyết định khai hoang triền đồi, đắp đập, dẫn nước về trồng lúa ngay tại bản Ka Ai. Năm 2013, dự án lúa nước và công trình nước sinh hoạt bản Ka Ai với nguồn vốn 6,3 tỷ đồng được khởi công xây dựng. Để có cánh đồng năm ha này, các chiến sĩ biên phòng phải bóc lấy lớp đất mùn màu mỡ phía trên cất lại, sau đó tiếp tục bóc dỡ lớp đất thứ hai để chân ruộng thấp cho nước tự chảy vào. Sau khi tạo được mặt bằng, các chiến sĩ lại đưa lượng đất mùn để dành vào mặt ruộng. Dưới tiết trời nắng như đổ lửa, gió Tây Nam thổi rát mặt, những người lính biên phòng và dân bản Ka Ai làm việc rất khẩn trương để kịp xuống giống vụ lúa đầu tiên.
Cánh đồng lúa Ka Ai vàng rực đang vào vụ gặt. Thiếu tá Ngô Thanh Tuấn cho biết, vụ đầu tiên năng suất lúa ở Ka Ai đạt hơn 4 tấn/ha. Lúa gặt xong, bộ đội tuốt ngay tại bờ ruộng rồi chia cho từng hộ dân, cả bản vui ngày "cơm mới". Ka Ai như vào hội. Già làng Hồ Cui nói trong xúc động: "Người Sách, người Mày được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, làm đường vô (vào) bản đã mừng rồi, chừ (giờ) được BĐBP dạy cách trồng lúa nước, có hạt gạo để ăn, không phải đi tìm con thú, con ong trên rừng nữa, già sướng cái bụng lắm". Bí thư chi bộ bản Ka Ai Hồ Hùng cho biết, bà con mình về xuôi thấy làm lúa nước khỏe hơn và không hay mất mùa như làm lúa rẫy nên ai cũng muốn làm. Giờ được BĐBP giúp đỡ để có ruộng nên dân bản rất mừng. Ai cũng háo hức lao động để được chia ruộng, chia lúa sau khi gặt.
"Cầm tay chỉ việc" giúp bà con tự trồng lúa nước
Tại Quảng Bình, đồng bào DTTS sinh sống tập trung tại 15 xã, thị trấn miền núi, vùng cao của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào DTTS ở Quảng Bình đã có nhiều thay đổi. Người Bru-Vân Kiều, người Ma Coong vốn quen du canh du cư "chặt, đốt, cốt, trỉa"; người Rục một thời bám hang, bám rừng giờ đã làm quen với lúa nước. Đồng hành với bà con là BĐBP, là cấp ủy và chính quyền các cấp. Năm năm qua, BĐBP Quảng Bình đã thực hiện thành công nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào DTTS.Đó là mô hình lúa nước ở các bản: Tân Ly (Lệ Thủy) với diện tích hai ha cho đồng bào Bru-Vân Kiều, gần hai ha cho đồng bào Ma Coong ở bản Chăm Pu (Bố Trạch), 10 ha cho đồng bào Rục (Minh Hóa) và mới đây là năm ha tại bản Ka Ai.
Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình chia sẻ, đồng bào DTTS định cư dọc tuyến biên giới Việt - Lào có đời sống hết sức khó khăn. Việc hướng dẫn đồng bào DTTS ở Quảng Bình tự làm lúa nước quả thật không dễ chút nào. Các chiến sĩ BĐBP ở Đồn Cà Roòng, xã biên giới Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) kể rằng, người Ma Coong (dân tộc Bru-Vân Kiều) ở bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch vốn chỉ biết làm lúa rẫy, nên khi hướng dẫn bà con làm lúa nước thì phải bắt đầu bằng việc vận động người dân ngăn đập tạo thành hệ thống kênh mương thủy lợi, dẫn nước vào để tưới tiêu cho ruộng lúa. Có hệ thống thủy lợi, bộ đội tiếp tục làm đất và gieo cấy cho bà con xem. Để bà con quen dần với việc trồng lúa nước, bộ đội và cán bộ xã xắn quần lội đồng làm mẫu trước. Đến thời kỳ thu hoạch, bộ đội khuyên người dân ra đồng gặt lúa, nhưng họ không chịu. Có người còn nói, lúa của cán bộ xã và của bộ đội chứ có phải của dân bản đâu mà gặt. Bộ đội phải giải thích rằng, đó là lúa của bà con, bộ đội và cán bộ xã chỉ giúp ngày công và hướng dẫn cách làm thôi... Tuyên truyền, vận động thường xuyên liên tục, dần dần bà con cũng hiểu và làm theo. "Bây giờ, mỗi khi đến mùa vụ, được cán bộ xã thông báo là dân bản tập trung ra đồng làm đất, xuống giống vui như ngày hội", Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Hợp cho biết. Trong số 18 bản của xã, bản Chăm Pu có đời sống ổn định hơn cả nhờ mỗi năm sản xuất được hai vụ lúa nước.
Những cánh đồng lúa nước Tân Ly, Lâm Ninh, Trung Sơn, Chăm Pu, Rục Làn, Cà Xen, Ka Ai đã cho đồng bào DTTS ở Quảng Bình những hạt gạo dẻo thơm. Dù chưa hết khó khăn song những hạt lúa mà bà con được tự tay làm ra đã mang lại niềm tin vững chắc trong hành trình xóa đói nghèo nơi đây.
Theo: nhandan.org.vn