Sau hơn hai năm triển khai Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, đến nay, huyện đã có năm xã đạt và cơ bản đạt 14/19 tiêu chí, 15 xã đạt 10/19 tiêu chí. Riêng xã điểm Phùng Xá đạt 16/19 tiêu chí. So với các huyện ngoại thành của Hà Nội, tốc độ xây dựng NTM của huyện Mỹ Đức được coi là chậm. Thực tế này đã và đang đòi hỏi chính quyền và người dân huyện Mỹ Đức phải thật sự nghiêm túc, nhìn thẳng vào những khó khăn nội tại để từ đó có kế hoạch cụ thể, sớm cán đích xây dựng NTM.
Theo ông Lê Văn Cành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, xây dựng NTM giống như một cuộc cách mạng cho nên không thể nóng vội, mà phải tập trung vào các tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó. Dù không đề cập trực tiếp đến những khó khăn mà huyện đang gặp phải, nhưng chúng tôi biết, cái khó của Mỹ Đức chính là nguồn vốn để xây dựng NTM. Tính đến hết tháng 6-2014, ngân sách thành phố đã rót về Mỹ Đức hơn 100 tỷ đồng, trong đó 8,7 tỷ đồng để lập quy hoạch xây dựng NTM, (bình quân 400 triệu đồng/xã, riêng xã điểm Phùng Xá được cấp 700 triệu đồng); 3,3 tỷ đồng hỗ trợ lập đề án xây dựng NTM (bình quân mỗi xã được cấp 150 triệu đồng, xã điểm Phùng Xá được cấp 300 triệu đồng); ngoài ra, còn có hơn 50 tỷ đồng phục vụ phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn; 55,3 tỷ đồng từ nguồn ứng dự toán năm 2014. Số tiền này được ghi nhận là đã giải ngân đúng mục đích.
Tuy nhiên, những khó khăn của huyện Mỹ Đức không chỉ nằm ở việc lập quy hoạch, xây dựng đề án mà chính là nguồn vốn để các xã từng bước chủ động thực hiện các tiêu chí trong bộ chuẩn NTM. Do hầu hết các xã của huyện đều có xuất phát điểm thấp, cho nên nguồn nội lực để có thể xây dựng NTM của huyện không nhiều, chủ yếu dựa vào sự đóng góp của người dân bằng ngày công lao động, bằng việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn và thực hiện tiêu chí về nhà văn hóa thôn, xã. Hiện người dân đã hiến gần 300 nghìn m 2 đất cho phong trào xây dựng NTM là một việc làm rất đáng trân trọng.
Mỹ Đức đã làm NTM theo cách riêng của mình bằng việc tập trung nguồn lực cho những tiêu chí gần đạt. Trên cơ sở nguồn vốn được hỗ trợ từ thành phố, kết hợp với vốn đối ứng của địa phương, huyện đã đầu tư xây mới gần 500 km kênh mương cấp 1 và 2. Tiến hành dồn điền đổi thửa đạt khoảng 99,1% chỉ tiêu thành phố giao.
Bên cạnh đó, để nâng cao thu nhập cho người lao động, huyện mạnh dạn tổ chức lại toàn bộ sản xuất nông nghiệp, quy hoạch đồng ruộng thành những vùng sản xuất chính gồm: Vùng chuyên màu trồng ớt F1-red Chi li xã Hợp Tiến, trồng cây ăn quả tại xã Đại Hưng; vùng đất hai lúa và một vụ đông, vùng chăn nuôi tập trung kết hợp trồng trọt tại xã Phúc Lâm... Đối với diện tích đất hai lúa, huyện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng mở rộng vùng lúa chất lượng cao, làm hàng hóa. Tăng cường mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho hơn hai nghìn lao động nông thôn góp phần từng bước đưa khoa học công nghệ vào trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác đạt 119 triệu đồng/ha/năm (bằng 104% so với năm 2012). Nhờ triển khai những giải pháp đồng bộ cho nên thu nhập của người dân trong huyện cũng được nâng lên 17,5 triệu đồng/ người/ năm (tăng 5 triệu so với năm 2012). Tỷ lệ hộ nghèo vì thế cũng giảm xuống dưới 5%.
Đi đầu trong phong trào xây dựng NTM của huyện Mỹ Đức phải kể đến xã điểm Phùng Xá. Mặc dù được ưu tiên nguồn lực nhưng Phùng Xá vẫn đang ì ạch tiến gần đến bộ chuẩn NTM. Trao đổi với chúng tôi về tiến độ xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá không giấu được sự lo lắng: Nếu huyện, thành phố vẫn chưa bố trí được nguồn vốn, thì đến hết năm 2014 Phùng Xá sẽ không thể hoàn thành nốt 3/19 tiêu chí để có thể cán đích NTM.
Được biết, ngay sau khi Phùng Xá được chọn làm xã điểm trong xây dựng NTM của huyện Mỹ Đức, lãnh đạo xã đã quán triệt trong cán bộ, đảng viên và họp dân để lấy ý kiến nhằm có sự đồng thuận trong xây dựng NTM. Chính thái độ nghiêm túc, cầu thị được lãnh đạo xã chú trọng ngay từ ban đầu cho nên mọi chủ trương, chính sách, kế hoạch xây dựng NTM đều được người dân hết lòng ủng hộ. Nhưng cái khó của Phùng Xá là nguồn vốn thì eo hẹp, đúng là lực bất tòng tâm.
Anh Nguyễn Đức Tiến, chủ một gia trại nhỏ xã Phùng Xá băn khoăn: NTM đã thật sự đem lại một diện mạo mới cho Phùng Xá. Người dân rất vui vì đường làng, ngõ xóm, khu dân cư được quy hoạch đẹp đẽ, khang trang, nhiều gia đình đã được hỗ trợ về giống, vốn để sản xuất nên đã thoát nghèo. Nhưng để NTM thật sự có ý nghĩa hơn đối với người dân, rất cần huyện, thành phố đầu tư kinh phí thỏa đáng để Phùng Xá đạt chuẩn NTM và phát huy được hết những thế mạnh của mình.
Sự đổi mới của Phùng Xá nói riêng và Mỹ Đức nói chung là một niềm vui không nhỏ đối với người dân nơi đây, nhưng để hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM trong năm 2014 và nâng số xã đạt chuẩn NTM của toàn huyện lên con số 5 vào năm 2015 thì vẫn còn nhiều việc để làm. Song, mục tiêu này hẳn sẽ không thể "làm khó" Mỹ Đức vì trong quá trình thực hiện, Mỹ Đức đã xác định được những khó khăn, vướng mắc để có được những quyết sách đúng. Và có lẽ cũng chỉ có Mỹ Đức mới có thể biến khó khăn trở thành động lực để kết nối người dân đoàn kết một lòng trong xây dựng NTM hiện nay.
BÀI VÀ ẢNH: NGỌC HÀ
Theo nhandan.org.vn