Nuôi dê cho thu nhập ổn định tại huyện Củ Chi. Ảnh: Phạm Kim Ngân |
Bài học Tân Nhựt
Nếu như việc xã Thái Mỹ đạt tất cả các tiêu chí về NTM là không ngoài dự báo trước đó của TP, khi đây là xã điển hình của huyện Củ Chi từ gần 20 năm nay, luôn đi đầu các mặt thì việc Tân Nhựt, xã có xuất phát điểm điểm thấp nhất khi tham gia mới đạt 5/19 tiêu chí. Vậy mà sau 3 năm cùng xây dựng thí điểm NTM, xã này lại đạt 17 tiêu chí như các xã khác với khởi điểm cao hơn. Có thể xem đó là nỗ lực “vượt lên chính mình” của đội ngũ cán bộ cũng như người dân trong xã.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, tại buổi tổng kết của xã, đã ghi nhận nỗ lực này khi cho rằng đó là do toàn thể cán bộ và người dân xã Tân Nhựt đã không trông chờ vào TP khi biết được hạn chế của xuất phát điểm thấp nên đã nỗ lực hết mình, chủ động kiến nghị hay vạch ra cách làm để có thể đạt được các tiêu chí trong thời gian sớm nhất. Tân Nhựt là tấm gương để 13 xã còn lại trong huyện cũng như các xã ở 4 huyện khác lấy đó làm bài học, không ỷ lại và trông chờ cấp trên.
Cách làm của xã Tân Nhựt cho thấy, để xây dựng NTM phải có tiền, có nguồn lực, nhưng không phải có tiền là có NTM, mà là tự thân đội ngũ cán bộ phải biết khơi dậy nguồn lực tại chỗ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đến làm ăn, cũng như giúp cho bà con hiểu được thực chất của việc xây dựng NTM là cho bản thân của mỗi người dân. Khi có sự thông suốt đó, tự thân bà con sẽ tích cực hơn trong việc cùng nhà nước xây dựng NTM thông qua việc hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sản xuất, liên kết trong sản xuất.
Một người dân ở ấp 2, xã Tân Nhựt đã tự nguyện hiến 2.000m2 đất, tương đương 2,4 tỷ đồng để làm đường giao thông. Bởi như ông Thế Hùng, ấp 3 phát biểu ngay tại buổi tổng kết về ích lợi của việc có con đường giúp cho xe chạy đến tận nhà dân, vận chuyển hàng hóa sau khi thu hoạch, cũng như nhờ vào hợp tác xã hay tổ hợp tác giúp cho việc mua vật tư nông nghiệp rẻ hơn, nhờ đó chi phí sản xuất thấp hơn, thu nhập được tăng lên, giúp cho việc sản xuất có điều kiện được phát triển.
Không tự thỏa mãn
Nói như vậy để thấy rằng việc xây dựng NTM có rất nhiều lợi ích, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở những xã điểm khá rõ nét. Thế nhưng bản chất của xây dựng NTM không dừng lại ở việc đạt 19 tiêu chí là xong, rồi để tự thỏa mãn với những gì đạt được, mà xây dựng NTM là cả một quá trình, trong đó, việc giữ cho được các tiêu chí mới là quan trọng và là thách thức đầy khó khăn. Bởi lẽ, không thể nói xã NTM mà đời sống của bà con không tiếp tục được nâng cao. Bí thư huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Văn Hoa cho rằng, không thể là xã NTM khi đời sống của người dân không được cải thiện, khi tỷ lệ hộ nghèo của một bộ phần người dân dù nhỏ, dù thấp vẫn tiếp tục tồn tại.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua chỉ đạo, việc nâng cao chất lượng các tiêu chí vừa đạt được là nhiệm vụ không dễ dàng, nhưng phải tiếp tục hoàn thành. Một ngôi trường mới xây xong phải kèm theo đó là đội ngũ giáo viên dạy tốt, các em học sinh phải học tốt, trong đó lễ nghĩa là điều phải chú ý, để xứng đáng đạt chuẩn quốc gia. Một ngôi chợ vừa hoàn thành kèm theo đó là phải bỏ dần tệ nạn nói thách của người tiểu thương, sản phẩm bán ra đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Một bệnh viện hay trạm xá chỉ thật sự có ý nghĩa khi đội ngũ y bác sĩ tậm tâm với người bệnh, phải tự trao dồi nâng cao tay nghề để phục vụ người dân. Tình làng nghĩa xóm vốn là truyền thống của người dân nông thôn, khi xây dựng NTM, điều này phải được phát huy nhiều hơn, sâu hơn, cụ thể hơn nữa. Một người dân khó có thể vượt qua khó khăn, nhưng nếu có sự hỗ trợ của bà con xóm giềng, của đoàn thể sẽ dễ dàng hơn, thuận tiện hơn để vượt qua đói nghèo.
Công Phiên
Theo sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn