Trên 83% số xã đạt tiêu chí về điện Theo Cục Công nghiệp địa phương, đến 30/8/2013, Hải Phòng đã có 116/139 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, chiếm 83,45% (vượt 8,45% so với kế hoạch 75% của thành phố). 100% số xã sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Hệ thống lưới điện được đầu tư cải tạo đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo qui định đã làm thay đổi “bộ mặt” khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, nâng cao đời sống văn hoá - xã hội trên địa bàn các xã. Tổn thất điện năng giảm, chất lượng điện được nâng cao, điện áp ổn định. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh sản xuất - kinh doanh, hoạt động thương mại, dịch vụ, tạo thêm việc làm cho người lao động. Hiện còn 23 xã dự kiến đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành xong tiêu chí số 4 về điện.
Việc thực hiện tiêu chí số 7 (xây dựng chợ) cũng được triển khai đồng bộ tại các địa phương. Theo quy hoạch, Hải Phòng có 104 chợ/139 xã cần đạt chuẩn. Với tổng số vốn đầu tư xây dựng chợ giai đoạn 2010 - 2013 là 33,15 tỷ đồng (vốn ngân sách 13,150 tỷ đồng, vốn do doanh nghiệp, dân góp 20 tỷ đồng) đã hình thành mạng lưới chợ thống nhất, phương thức kinh doanh ngày càng đa dạng. Đến tháng 6/2013 đã có 43/139 xã đạt chuẩn, đạt 31%.
Để đảm bảo tiến độ xây dựng nông thôn mới, Sở Công Thương Hải Phòng đề nghị tăng đầu tư từ ngân sách cho phát triển lưới điện nông thôn. Có chính sách ưu đãi hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh và tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các dự án điện nông thôn. Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN NPT ưu tiên vốn đầu tư, cải tạo hệ thống lưới trung áp nhằm đáp ứng chỉ tiêu số 4 về điện. Sớm có hướng dẫn cơ chế hoàn trả lưới điện trung áp nông thôn. Giúp Hải Phòng xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình doanh nghiệp kinh doanh chợ. Bố trí kinh phí xây dựng chợ theo quy hoạch, xây dựng dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hỗ trợ kinh phí cho các Sở Công Thương thực hiện các hoạt động tập huấn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và sớm ban hành quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ. |
Còn nhiều khó khăn Khó khăn nhất là hệ thống lưới điện trung áp nông thôn trước đây được xây dựng nhằm phục vụ tưới tiêu, nay chuyển sang phục vụ dân sinh nên hệ thống lưới điện chưa đảm bảo, chất lượng điện kém, tổn thất cao. Hiện còn 2/7 huyện chưa có quy hoạch phát triển điện lực, gây khó cho việc thực hiện các tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tâng. Việc huy động vốn xây dựng hạ tầng nông thôn rất khó khăn. Công tác bàn giao điện nông thôn còn vướng do thiếu nguồn vốn hoàn trả, chưa có qui định, hướng dẫn về bàn giao trạm biến áp, lưới trung áp… làm ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí số 4.
Với tiêu chí số 7, diện tích xây dựng chợ nông thôn còn nhỏ, chỉ tập trung xây lán chợ bán kiên cố (nhà chợ chính), trong khi số hộ kinh doanh hạn chế nên không sử dụng hết phần diện tích đã xây, không có khu vực bãi để xe, cây xanh, nơi thu gom rác thải… ảnh hưởng đến số hộ kinh doanh tại các chợ. Sự phối kết hợp giữa các đơn vị chưa kịp thời, thiếu chính xác gây khó khăn cho việc điều tra, rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn mới theo các tiêu chí số 4 và 7.
Theo kế hoạch, năm 2014, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện tại các xã, đáp ứng nhu cầu sử dụng phụ tải tại 23/139 xã chưa hoàn thành tiêu chí số 4. Từ năm 2015, 100% các hộ dân được sử dụng điện lưới, quản lý vận hành lưới điện nông thôn đảm bảo chất lượng.
Cũng trong năm 2014, Hải Phòng phấn đấu 40 xã đạt tiêu chí số 7, năm 2015 là 44 xã. Chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý kinh doanh cho 16 chợ (giai đoạn 2014), giai đoạn 2015 chuyển đổi 22 chợ. Giai đoạn 2014 và 2015 sẽ đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng quản lý chợ cho khoảng 450 người.