Xét theo những thông số cụ thể của 19 tiêu chí xây dựng NTM, có những khó khăn nhất định, nhất là tiêu chí thu nhập và tiêu chí giáo dục.
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, hầu như những người trực tiếp tham gia đều bị động, lúng túng do chưa hề có mô hình trước đó. Với “lợi thế” riêng, khi triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành T.Ư
(khóa X) về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn, TP Hồ Chí Minh đã có lộ trình khá cụ thể để từng bước giúp các xã ngoại thành có được một nền nông nghiệp đô thị kỹ thuật cao, thân thiện môi trường, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh cao. Mục tiêu hướng đến là vùng nông thôn phát triển hiện đại văn minh, nông dân có đời sống vật chất và tinh thần phát triển…
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt, để triển khai Chương trình xây dựng NTM ở các xã, huyện ngoại thành, sở đã phối hợp UBND các huyện, xã, ngành trong việc thực hiện tiêu chí giáo dục: Đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học và chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 90% tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bổ túc văn hóa và học nghề… Ngay từ khi triển khai thực hiện đề án, ngành GD-ĐT thành phố đã triển khai nhiều phương án cụ thể tới từng trường học. Cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên của từng trường phải hiểu rõ mục đích của việc xây dựng NTM. Bản thân mỗi thầy cô có trách nhiệm “cộng hưởng” tới từng học sinh, tới phụ huynh…
Ông Huỳnh Công Triết, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Củ Chi) khẳng định: “Công tác xóa mù chữ, giảm lưu ban, giảm số học sinh THCS bỏ học rất quan trọng. Nhiều học sinh ở vùng nông thôn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không theo kịp nội dung chương trình giảng dạy sinh ra chán, bỏ học. Giúp các em tiếp tục theo học bổ túc văn hóa hoặc học nghề là nhiệm vụ trọng tâm tại các xã NTM”.
Bác Nguyễn Thành Chánh, ngụ số 3/7, ấp 2, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, một trong những hộ dân hiến hàng nghìn mét vuông đất để xã làm trạm y tế, xây trường học, chia sẻ: “Lúc được mời tham dự tập huấn, nghe kế hoạch thí điểm xây dựng NTM, chúng tôi “mông lung” lắm. Nhưng khi “mắt thấy, tay cầm” và được giám sát, chúng tôi hiểu được mục đích, ý nghĩa to lớn của việc xây dựng NTM. Vậy là tôi về động viên, thuyết phục các thành viên trong gia đình đồng thuận để hiến đất cho xã xây trường học ”.
Nông dân Phạm Văn Cáo, ngụ số 28/5, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, cho biết: “Trước khi xây dựng NTM, phần lớn trường học tại xã là nhà cấp bốn, xuống cấp, trang, thiết bị cũ kỹ… Khi đưa con em vô trường học, phụ huynh rất lo lắng. Đến nay, chúng tôi mừng lắm, trường mầm non, tiểu học, THCS đều được xây mới, đạt chuẩn quốc gia. Con nông dân như chúng tôi được học trong những ngôi trường đầy đủ trang, thiết bị hiện đại, ai cũng mừng”…
Việc nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM vừa đạt được là nhiệm vụ không dễ dàng. Một ngôi trường mới xây phải kèm theo đội ngũ giáo viên dạy tốt, các học sinh phải học tốt, trong đó lễ nghĩa là điều phải chú ý, để xứng đáng đạt chuẩn quốc gia... Được như vậy, tiêu chí về giáo dục mới đúng thực chất.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng nhập cuộc của người dân, tin rằng một số xã xây dựng NTM còn lại ở thành phố sẽ sớm đạt đủ 19 tiêu chí với chất lượng cao, góp phần bồi đắp thêm truyền thống năng động của TP Hồ Chí Minh anh hùng “Đi trước, về đích trước”.
Từ khi thực hiện Chương trình NTM đến nay, có 41 trong số 56 xã đã đạt tiêu chí trường học, còn lại 15 xã chưa đạt chuẩn là do tổng vốn đầu tư cho các công trình trường học lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, công tác chuẩn bị đầu tư và thi công dài. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn