Trồng hành trái vụ ở xã Võng Xuyên.
Xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ là địa phương đất chật, người đông, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trung bình chỉ hơn 240 m2 /người. Mặc dù nơi đây có truyền thống trồng các loại rau màu, nhưng ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún, kỹ thuật sản xuất thủ công, lạc hậu, cho nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng, phát triển sản xuất, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt gần 12 triệu đồng, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm phần lớn lực lượng lao động của địa phương... Tuy nhiên, sau hơn ba năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, cho đến nay xã Võng Xuyên đã đạt 17 tiêu chí, hai tiêu chí cơ bản đạt. Đến xã Võng Xuyên thời điểm này, nhiều người ngỡ ngàng về sự đổi thay nhanh chóng nơi đây. Hai bên trục đường chính dẫn vào xã, những thửa ruộng trồng rau màu xanh mướt với hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng vừa được nâng cấp, kiên cố hóa. Hệ thống đường giao thông trong xã được đổ bê-tông rộng rãi, sạch sẽ nối liền các xóm. Nhà cửa khang trang. Hệ thống trường học, trạm y tế cũng vừa được nâng cấp, xây dựng sạch đẹp... Bà Nguyễn Thị Hòa, một người dân sinh sống tại cụm dân cư số 2 cho biết, nhờ có hệ thống thủy lợi thuận lợi cho nên gần đây nhiều nông dân tập trung trồng các loại rau màu trái vụ, nhất là cây hành lá, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 45 ngày/lứa, giá bán tại ruộng từ 15 đến 18 nghìn đồng/kg, nhiều người dân đã thoát nghèo nhờ trồng hành.
Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Khuất Văn Thảo cho biết, để có được kết quả này, trước hết, xã tập trung thực hiện các tiêu chí như xây dựng hệ thống tổ chức chính trị vững mạnh, y tế, giáo dục, môi trường... Sau đó, ban chỉ đạo xã công khai quy hoạch, cùng bàn bạc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân để thực hiện các dự án cấp thiết trước như mở rộng, cứng hóa đường giao thông nông thôn, đào đắp, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, cải tạo hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt... Đội ngũ lãnh đạo, đảng viên trong xã đã kiên trì vận động, khơi gợi tình làng nghĩa xóm để người dân cùng nhau đoàn kết, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, 80 hộ dân các cụm 3, 4, 11 và 8b đã tự nguyện tháo dỡ nhiều công trình, cây cối để mở rộng đường liên xã; hơn 200 hộ dân các cụm 7, 8a, 8b, 9 và 10 giải tỏa hành lang để nâng cấp, xây dựng hệ thống kênh, mương..., mà không hề đòi hỏi kinh phí bồi thường, hỗ trợ.
Còn đối với xã Thọ Lộc, mặc dù trên địa bàn xã có nhiều bà con công giáo cùng sinh sống, nhưng ban chỉ đạo đã khéo vận động, phát huy được tinh thần hòa thuận, đoàn kết của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Xã thành lập câu lạc bộ thơ với gần 50 hội viên thường xuyên sinh hoạt, sáng tác nhiều bài thơ mộc mạc tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức đêm giao lưu văn nghệ để người dân tìm hiểu về dồn điền đổi thửa, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo nên không khí vui vẻ, đầm ấm trong nhân dân. Phong trào xây dựng nông thôn mới của Thọ Lộc nhanh chóng được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Người dân trong xã đã đóng góp hơn 6.500 ngày công lao động để làm đường làng ngõ xóm, hiến tổng số hơn 55 nghìn m 2 đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và xây dựng nghĩa trang nhân dân. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất theo mô hình VAC, hoa cây cảnh, nuôi trồng các loại cây, con đặc sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Cho đến nay, Thọ Lộc đạt 16 tiêu chí, ba tiêu chí cơ bản đạt, trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới, cả năm thôn trong xã đều đạt danh hiệu Làng văn hóa.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, tổng vốn đầu tư cho chương trình chỉ hơn 350 tỷ đồng, thuộc một trong hai huyện có mức đầu tư thấp nhất trên địa bàn thành phố, nhưng huyện đã chỉ đạo các xã tập trung thực hiện những tiêu chí cần ít kinh phí để làm trước. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đúng ý nghĩa, mục tiêu của chương trình được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo khí thế thi đua mới tại các địa phương. Qua gần ba năm xây dựng nông thôn mới, kinh tế của huyện đã có bước tiến bộ vượt bậc, năm 2013 tăng trưởng 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng giá trị các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 23,2 triệu đồng, tăng hơn 13 triệu đồng so với năm 2010. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 225 triệu đồng/ha đất canh tác. Sau khi cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa, công tác quy hoạch ruộng đất, gắn với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật có bước phát triển mới; hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh lớn, hiệu quả kinh tế cao như vùng sản xuất rau an toàn, rau trái vụ, lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng chăn nuôi đặc sản... Cho đến nay, trên địa bàn huyện có bốn xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Võng Xuyên, Phụng Thượng, Thọ Lộc và Ngọc Tảo. Chín xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, chín xã đạt từ mười đến 14 tiêu chí. Từ nay đến cuối năm, Phúc Thọ phấn đấu có thêm sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới.
KHÁNH SƠN
Nguồn nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn