Chợ nông thôn ngày càng đáp ứng yêu cầu của người dân
Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Bộ Công Thương, Sóc Trăng sẽ huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng phát triển chợ theo hướng xã hội hóa, tập trung xây dựng hoàn thành 3 chợ trọng điểm là chợ Hựu Thành, chợ Cái Ngang và chợ Nguyễn Văn Thảnh và các chợ tại các xã điểm thực hiện nông thôn mới của tỉnh
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang được các huyện, thị xã, tranh thủ nguồn vốn từ trung ương, địa phương và nguồn vốn xã hội hóa với tổng nguồn vốn khoảng 30,861 tỷ đồng, trong đó: trung ương hỗ trợ 2,446 tỷ đồng; ngân sách địa phương 11,937 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa là 16,490 tỷ đồng ở 13 chợ thuộc 13 xã của 8 huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù vậy, chợ nông thôn ở Sóc Trăng vẫn chủ yếu là chợ hạng III do Tổ quản lý chợ quản lý, điều hành vì chợ qui mô nhỏ, nguồn thu thấp. Năm 2012, Sở Công Thương đã tổ chức mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chợ cho khoảng 70 học viên là cán bộ quản lý chợ, công chức Phòng Kinh tế và Hạ tầng/Kinh tế nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý chợ trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn có 28/82 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn mới (trong đó có 11/22 xã điểm), tình hình đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ theo tiêu chí nông thôn mới cũng bị hạn chế do thiếu nguồn vốn.
Năm 2014, Sóc Trăng sẽ xây dựng 3 chợ dân sinh (chợ An Lạc Tây, huyện Kế Sách; chợ Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên và chợ Tân Long, huyện Ngã Năm) theo kế hoạch hỗ trợ vốn tại Công văn số 7474/BCT-TTTN ngày 21/8/2013 của Bộ Công Thương và hỗ trợ vốn xây dựng chợ nông thôn hàng năm theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ. |
Nhìn chung công tác phát triển và quản lý chợ, xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng chợ đã được đầu tư đáp ứng nhu cầu mua - bán hàng hóa phục vụ đời sống kinh tế - xã hội. Hoạt động mua - bán tại chợ trên địa bàn ngày càng phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng lên; giao thông tương đối thuận lợi giúp lưu thông, trao đổi hàng hóa ngày càng đạt hiệu quả, giá cả tương đối bình ổn. Nâng cao chất lượng cuộc sống và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, một số địa phương trên địa bàn còn thiếu sự quan tâm chỉ đạo nên việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng chợ chưa đồng bộ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, các hộ mua - bán lấn chiếm hành lang an toàn lộ giới. Quá trình khảo sát địa điểm, mô hình thiết kế chợ nông thôn theo tiêu chí 7 (chợ nông thôn) chưa đáp ứng đúng TCVN 9211:2012, từ đó dẫn đến tình trạng một số chợ được đầu tư xây dựng nhưng không đạt chuẩn.
Một số địa phương tiến hành xây dựng sửa chữa, nâng cấp các chợ không thông qua Sở Công Thương (là nơi có chức năng quản lý và phát triển chợ) cũng gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch và kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả của các chợ. Việc khảo sát địa điểm xây dựng, mô hình nhà lồng chợ chưa phù hợp với thực tế và nhu cầu của người dân tham gia mua - bán tại chợ.
Với mục tiêu đến năm 2015 có thêm 11 chợ được đầu tư xây dựng đạt tiêu chí 7, Sóc Trăng đang phối hợp các sở, ngành và địa phương tăng cường kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa, lấy chợ nuôi chợ. Đồng thời vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Có các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng chợ. Lồng ghép các dự án đầu tư của tỉnh cùng phát huy đồng bộ đầu tư xây dựng chợ nông thôn mới.
Nguyễn Văn
Nguồn baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn