Thời gian qua, công tác giảm nghèo được Tân Sơn đặc biệt quan tâm; từng thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng NTM được phân công cụ thể, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác xoá nghèo địa bàn các ấp. Các đoàn thể Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… xây dựng kế hoạch xoá nghèo phù hợp cho từng đối tượng. Ông Nguyễn Văn Cảnh – Chủ tịch UBND Tân Sơn phấn khởi cho biết: Đạt được kết quả này, là nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng và Nhà nước giúp các đối tượng thuộc diện hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đầu tư hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ 108 hộ nghèo mua đất sản xuất và đất ở; hỗ trợ gần 430 triệu đồng cho 143 hộ nghèo chuyển đổi nghề; đầu tư 1,3 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở 156 hộ nghèo…Hơn nữa, ý thức tiết kiệm, sự cần cù chịu khó, tự vươn lên của các đối tượng thuộc diện hộ nghèo có vai trò rất lớn trong công tác giảm nghèo ở Tân Sơn. Bên cạnh đó, Tân Sơn thực hiện bố trí chuyển đổi quy hoạch cây trồng, vật nuôi, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đến thăm vùng sản xuất lúa giống ấp Leng trên những ruộng lúa đang khoe sắc trong nắng sớm, báo hiệu một vụ mùa thắng lợi lớn. Ông Mã Thái Hùng - một nông dân sản xuất lúa giống nhiều năm qua của ấp cho biết: Từ khi có tổ sản xuất lúa giống, nông dân tụi tôi phấn khởi lắm, sản phẩm làm ra không đủ tiêu thụ, lợi nhuận cao hơn nhiều so với làm lúa thương phẩm. Một năm chỉ sản xuất hai vụ thôi, như gia đình tôi với 2 ha lúa giống, thu bình quân 10 tấn/ha, với giá bán từ 6.300 – 6.500đ/kg gia đình có thu nhập từ 63 – 65 triệu đồng/ha, trừ chi phí thực lãi cũng từ 40 triệu đồng/ha. Không riêng gì hộ ông Hùng, hiện nay ấp Ông Rùm có hơn 30 hộ tự nguyện thành lập tổ liên kết sản xuất, trong đó liên kết về giống, vốn, lịch thời vụ và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm làm ra, góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Đây chính là một trong những tiêu chí của công tác xây dựng NTM. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn