Một nửa số xã đạt chuẩn NTM đang vướng nợ đọng
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hiện Thái Nguyên đã có 40 xã đạt chuẩn, hoàn thành 19/19 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông nông thôn không ngừng được cải tạo, nâng cấp và xây mới, đời sống mọi mặt của nhân dân vùng nông thôn được nâng lên. Tuy nhiên, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) trong quá trình triển khai chương trình NTM đang đè nặng lên vai các địa phương. Theo thống kê, toàn tỉnh còn khoảng 800 công trình thuộc chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 còn nợ đọng khối lượng XDCB với giá trị hơn 250 tỷ đồng, tập trung ở cấp huyện, xấp xỉ 65%, và cấp xã là gần 26% tổng số nợ.
Lãnh đạo thị xã Phổ Yên kiểm tra việc làm đường giao thông nông thôn tại xã Đông Cao, TX. Phổ Yên, Thái Nguyên |
Ảnh: T. Cường |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Tuấn, nợ XDCB trong xây dựng NTM của tỉnh là do nợ xây dựng giao thông nông thôn, nợ xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao và nợ xây dựng trường học. Trong xây dựng hạ tầng NTM, tỉnh và Trung ương cho chủ trương, đồng thời phân cấp kinh phí; tỉnh xuất kinh phí hỗ trợ xây dựng NTM ở các huyện, xã. Các huyện, xã xác định công trình, dự án để đầu tư và bố trí kinh phí cho phù hợp để xây dựng kế hoạch, thẩm định, đầu tư xây dựng, thanh quyết toán các công trình. Ngoài ra, nợ đọng do ngân sách trung ương và địa phương không bảo đảm đối ứng; điểm xuất phát xây dựng NTM ở một số xã còn thấp, nhiều công trình hạ tầng nông thôn phải xây dựng cấp bách nhưng chưa được bố trí vốn kịp thời; một số công trình triển khai chậm tiến độ do năng lực nhà đầu tư không bảo đảm, hoặc đầu tư quá năng lực.
40 xã đạt chuẩn NTM là một thành tích, nhưng một nửa trong số đó đang nợ đọng vốn XDCB lại là điều rất đáng suy ngẫm. Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Văn Tâm chỉ ra thực tế, hiện nay các địa phương làm tốt chương trình NTM thì số nợ đọng XDCB lại tăng cao như huyện Phú Lương trên 60 tỷ đồng, huyện Phú Bình là trên 30 tỷ đồng... Nếu theo tình hình này, các huyện càng phát triển, hoàn thành chương trình NTM thì số nợ đọng càng cao! Trong khi đó các huyện vùng cao, miền núi như Phú Lương, Định Hóa hay Võ Nhai thì nguồn thu ngân sách chủ yếu thông qua thuế sử dụng đất hay các loại thuế phí khác, tuy nhiên nguồn thu này quá ít để chi trả số nợ đọng trong quá trình xây dựng NTM.
Dứt điểm nợ cũ, không phát sinh nợ mới
6 tháng đầu năm 2016, thực hiện chương trình xây dựng NTM, Thái Nguyên đã triển khai được 24 mô hình, dự án trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Trong đó, có một số mô hình mới như: Nuôi giun quế tại huyện Phú Lương, trồng cây dược liệu tại huyện Võ Nhai, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tham gia dự án. Tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh trong 6 tháng ước đạt 152.770 triệu đồng, trong đó đóng góp của người dân là 72.308 triệu đồng. |
Năm 2016, Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 15 xã về đích trong xây dựng NTM. Bài toán đặt ra là phải chấm dứt sự tăng tỷ lệ thuận giữa các xã đạt chuẩn NTM và số nợ đọng XDCB khi thực hiện chương trình; xử lý dứt điểm các khoản nợ cũ đi đôi với việc có giải pháp toàn diện để không phát sinh nợ mới trong xây dựng NTM. Theo Phó Chủ tịch Đoàn Văn Tuấn, trả nợ XDCB là một ưu tiên trong triển khai Chương trình xây dựng NTM của tỉnh năm nay. Cụ thể, tỉnh đã bố trí nguồn vốn để trả nợ các địa phương thuộc phần nợ của ngân sách tỉnh là 18,6 tỷ đồng; phân bổ 72,1 tỷ đồng cho 15 xã đăng ký đạt chuẩn và 96,9 tỷ đồng cho cấp huyện phân bổ cụ thể cho các công trình. Cùng với đó, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương, tỉnh cũng phân cấp cho huyện, thành, thị để lồng ghép trả nợ các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn và xây dựng NTM là 345,7 tỷ đồng.
Để hạn chế phát sinh nợ mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Tuấn cho biết, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, lãnh đạo cấp huyện, xã thực hiện nghiêm việc quản lý vốn đầu tư theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; ưu tiên vốn trả nợ các công trình đã hoàn thành; lồng ghép các nguồn vốn, chương trình để hoàn thiện các tiêu chí và ưu tiên cho các xã đăng ký đạt chuẩn giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, tỉnh đã hướng dẫn các địa phương thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù theo Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đối với các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, các địa phương được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù theo hướng không phải lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật. Trên cơ sở thiết kế mẫu, thiết kế điển hình chỉ cần lập dự toán đơn giản và chỉ định cho người dân và cộng đồng tự làm để giảm kinh phí.Những năm tới, Thái Nguyên vẫn duy trì cơ chế hỗ trợ xi măng, kinh phí cho các địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp và nhân dân để hoàn thành các mục tiêu. Tuy nhiên, trong khi nguồn lực có hạn, địa phương cần “liệu cơm gắp mắm” để có những quyết định đầu tư hợp lý hơn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn