Xu thế chung của xã hội hiện nay là chọn giống lúa có phẩm chất gạo cao nhưng thực tế là có một số giống lúa chất lượng vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến. Có nhiều lý do giải thích cho chuyện này, thứ nhất là giống lúa chất lượng cao thường dài ngày và hay bị nhiễm sâu bệnh.
Đây là khuyết điểm khi so sánh với các giống lúa cao sản, ngắn ngày, chất lượng gạo thấp như Khang dân 18, Nhị ưu 838… và khiến cho nông dân còn e dè trong sử dụng.
Thứ hai là chưa hình thành nên vùng SX tập trung lúa chất lượng đủ lớn để các DN thu mua, chế biến và xây dựng thương hiệu. Một vùng SX thường có hàng chục giống lúa khác nhau, làm giảm giá trị của hạt gạo đặc sản.
Thứ ba là các giống lúa chất lượng thấp hiện nay vẫn có thị trường lớn, đôi khi giá mua giữa gạo chất lượng cao và gạo bình dân không khác biệt.
Chính bởi thế ngoài biện pháp chọn tạo ra các giống lúa chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có sức chống chịu tốt hơn thì việc quy hoạch vùng SX theo hướng CĐML gắn với bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị kinh tế là rất cần thiết. Gần đây, Cty CP Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đã kết hợp với một số huyện của tỉnh Phú Thọ xây dựng các CĐML có diện tích lên tới trên 150 ha cấy giống J02.
Để xua tan nỗi lo của người nông dân về một giống mới chưa biết năng suất ra sao, hiệu quả kinh tế thế nào, đơn vị tổ chức đã ký cam kết bảo hành năng suất bằng giống lúa phổ biến Khang dân 18 cùng với cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm.
Xu thế hiện nay của các địa phương cận đô thị là thanh niên bỏ ruộng đồng đi làm thời vụ ngoài thành phố. Cao Xá cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Thực tế chứng minh, đầu tư cơ sở hạ tầng tốt (đường xá, mương máng) cộng với chính sách nông nghiệp hợp lý đã giúp Cao Xá kéo được một phần thanh niên nông thôn trở lại với ruộng đồng. Từ những CĐML đầu tiên, thời gian tới Phú Thọ tự tin đặt ra mục tiêu sẽ xây dựng được hàng ngàn ha SX tập trung. |
Giải pháp kỹ thuật được đưa ra là cấy non, cấy nông, tập trung chăm bón vào giai đoạn ban đầu giúp lúa đẻ nhánh, tăng năng suất. Tuy là giống lúa đặc sản nhưng J02 đạt năng suất 7,2 tấn/ha vượt xa so với đối chứng Khang dân chỉ 6,1 tấn/ha, cá biệt có ruộng đạt trên 300 kg/sào. Điều quan trọng là doanh thu của những nông dân tham gia vào CĐML đạt 72 triệu đ/ha, trong đó lãi ròng 29 triệu, hơn hẳn so với cấy Khang dân 18.
Có mặt ở CĐML rộng mênh mông tại Cao Xá (Lâm Thao, Phú Thọ), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định: “Đây là mô hình trồng trọt kết hợp với xây dựng nông thôn mới rất tốt. Bước đầu DN thu mua của dân giá 10.000 đ/kg thóc là tốt nhưng tương lai phải hình thành thương hiệu riêng cho sản phẩm, phải tìm kênh phân phối vào hệ thống siêu thị để nâng cao hiệu quả hơn nữa”.
Thực tế tổ chức CĐML ở những nơi đã dồn điền đổi thửa sẽ rất thuận lợi còn ở nơi ruộng đồng manh mún thì rất bí. Điều kiện để mô hình này phát huy hiệu quả cần có diện tích đủ lớn và bằng phẳng. Cần chủ động tưới tiêu để thuận tiện cho việc ứng dụng TBKT, đưa cơ giới hóa vào SX. Quan trọng nhất là làm sao thuyết phục được một số lượng lớn nông dân tham gia và triển khai đồng bộ.
Ở Cao Xá để có cánh đồng 60 ha phải tập hợp trên 800 hộ nông dân tham gia với sự góp mặt của hàng ngàn thửa ruộng “chiếu manh”. Việc xây dựng CĐML ở đây được tỉnh Phú Thọ áp dụng theo phương châm linh hoạt “liền vùng, cùng trà, cùng giống và khác chủ”.
Khi canh tác đưa cơ giới vào từng khâu SX để giảm áp lực thời vụ đồng thời là động lực dồn đổi ruộng đất, trước mắt là trong gia đình, trong họ hàng với nhau… Các TBKT được tập trung chuyển giao như sử dụng giống chất lượng, đầu tư thâm canh tăng năng suất để thuyết phục người nông dân tự tin vào hạt thóc mình đang SX.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn