Nông dân xã Thụy Dũng (Thái Thụy) làm đường giao thông nội đồng. |
Xác định được vai trò, vị trí của tổ chức hội nông dân trong xây dựng NTM, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, chỉ đạo các cấp hội và cán bộ, hội viên thực hiện. Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 3 nghị quyết chuyên đề thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM đó là: Nghị quyết về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; Nghị quyết giúp hội viên phát triển kinh tế; Nghị quyết dạy nghề cho nông dân.
Hội nông dân các cấp luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia xây dựng NTM bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp tại các hội nghị, buổi sinh hoạt của các chi hội; soạn tài liệu với những nội dung cụ thể về quan điểm, mục tiêu, giải pháp, cơ chế chính sách của tỉnh trong xây dựng NTM phát trên hệ thống phát thanh... Các cấp hội còn tập trung tuyên truyền giúp cán bộ, hội viên nông dân hiểu xây dựng NTM là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” để tạo sự đồng thuận cao, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động đã giúp cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, từ đó tự giác thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, đóng góp tiền của, công sức, hiến đất xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, đường giao thông nông thôn... Từ năm 2011 đến 2013, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp 224 tỷ đồng, 64 triệu ngày công, hiến 1.856,7 ha đất, phá dỡ hàng nghìn công trình phụ, cổng, dậu… phục vụ xây dựng NTM. Trong quá trình xây dựng các công trình NTM, các cấp hội vận động cán bộ, hội viên trực tiếp tham gia thi công, giám sát, bảo đảm về số lượng và chất lượng nguyên vật liệu cũng như quy trình. Từ đó chất lượng các công trình được bảo đảm, hạn chế các tiêu cực trong tổ chức thi công.
Bên cạnh đó, các cấp hội còn tích cực triển khai các hoạt động giúp hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ môi trường... Bình quân hàng năm các cấp hội tổ chức hơn 1.000 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng chục nghìn lượt hội viên. Từ năm 2011 đến nay, tổ chức 716 lớp dạy nghề may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi - thú y, sửa chữa máy nông nghiệp… cho 26.783 lượt hội viên. Các cấp hội tín chấp với các ngân hàng cho hội viên vay vốn với tổng số tiền 1.223,42 tỷ đồng để phát triển sản xuất; hỗ trợ 16,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho 1.685 hộ vay xây dựng 35 mô hình phát triển kinh tế; ký kết với các công ty vật tư nông nghiệp cung ứng trên 4.000 tấn phân bón trả chậm/năm; thành lập 97 tổ liên kết, câu lạc bộ để cán bộ, hội viên giúp nhau về giống, vốn, kiến thức và tiêu thụ sản phẩm. Để giúp các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, mỗi chi hội giúp 2 hộ nghèo trở lên, do vậy hàng năm có trên 3.400 hộ nghèo được tổ chức hội giúp đỡ.
Thực hiện tiêu chí về văn hóa, các cấp hội đã phát động hội viên đăng ký và thực hiện xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, vận động hội viên nghiêm túc thực hiện Quyết định 17 của UBND tỉnh về xây dựng đời sống văn hóa, trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhiều nơi không tổ chức ăn uống linh đình, không hút thuốc lá, không có hoạt động mê tín dị đoan... Thực hiện tiêu chí về bảo vệ môi trường, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền hội viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia vào các tổ thu gom rác thải ở địa phương, tự phân loại rác vô cơ và rác hữu cơ ngay tại gia đình, thường xuyên vệ sinh môi trường và xử lý rác thải, đồng thời xây dựng quy chế của các thôn trong việc bảo vệ môi trường...
Từ những hoạt động thiết thực, cụ thể, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM. Các cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò của các cấp hội nông dân thực sự là lực lượng nòng cốt trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, đặc biệt là công cuộc xây dựng NTM.
Thu Thủy
Nguồn: baothaibinh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn