02:33 EST Chủ nhật, 26/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Hoạt động các địa phương » huyện Cẩm Xuyên


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Cẩm Nhượng - biển và bờ nhịp đập song đôi

Thứ bảy - 06/07/2013 22:43
Không hiểu từ thuở nào cái tên làng Nhượng Bạn đã đi vào sử sách, một làng có truyền thống bám biển từ đời này sang đời khác.
Chiều trên bến cá Cẩm Nhượng

Chiều trên bến cá Cẩm Nhượng

Làng ấy ngày nay gọi là xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đang từng bước chuyển mình trong việc khai thác ngư trường và chế biến hải sản, dịch vụ trên bờ.

 

Nghe lão ngư kể chuyện nghề biển 

Một chiều đẹp trời. Nắng rực rỡ, cửa biển Cẩm Nhượng càng hơn. Màu nước xanh thăm thẳm đang giấu trong mình bao nhiêu huyền thoại làng biển. Theo những dấu chân trên bãi cát vàng phẳng lặng, chúng tôi đã tiếp cận được những con thuyền đang tập kết của ngư dân. 

Mắt tôi ngợp giữa rừng thuyền và ngợp giữa rừng cờ đỏ kiêu hãnh cắm trên nóc thuyền. Gió lồng lộng thổi, nhiều lúc giọng nói của lão ngư Trần Văn Minh bị át đi trong tiếng gió và tiếng sóng, nhưng những tâm sự về nghề biển của ông và ngư dân làng này vẫn được tôi nghe trọn. Lão Minh bảo: “Dân làng biển Cẩm Nhượng từ xưa tới nay vẫn biết mỗi lần chồng đi biển, vợ con ở nhà lại thấp  thỏm chờ mong. Dân trồng lúa, dắt trâu cày xong về ngủ yên. Nhưng dân biển ra khơi luôn gặp những rủi ro vì bão tố và các hiểm hoạ nữa. Kiếm được con cá không chỉ đổ mồ hôi mà có lúc mất cả mạng sống”. Lão Minh kể, trong bao năm đánh bắt cá, làng Cẩm Nhượng cũng có những người bị bão lốc nhấn chìm, nhưng  may mắn hơn nhiều làng biển khác là tỉ lệ tử nạn ít hơn. 

Anh bạn tôi cắt ngang lời lão hỏi: “Cụ ơi nghe nhiều người nói cá voi thường đến cứu dân đánh cá lúc chìm thuyền hả cụ?”. Nhắc đến cá voi như nhắc tới vị thần linh của biển… Ông lão bần thần trong giây lát rồi chùng giọng: “Chú ơi, dân đi biển Cẩm Nhượng trong những lúc sóng đánh thủng thuyền được cá voi nâng thuyền lên lưng mình tìm cách đưa  vào hòn đảo nổi. Dân làng biển Cẩm Nhượng cũng như dân đánh cá nơi khác gọi cá voi là “Ông”. Nếu “Ông” mất dạt vào bờ, cả làng khóc và đưa tang ông.  Đền thờ “Ông” bao giờ cũng thắp hương khói và lễ vật chu đáo. Bây giờ thông tin về thời tiết có hằng ngày và trong lúc thuyền gặp sự cố đã có tàu cứu hộ của biên phòng giúp. Thế nhưng chúng tôi không bao giờ quên ơn cá voi…”. 

Câu chuyện đượm màu huyền thoại càng sôi nổi hơn khi lão Minh khoe làng Cẩm Nhượng năm nào cũng vậy cứ  vào mồng 8 tháng tư âm lịch, cả làng lại náo nức lễ hội cầu ngư. Cầu trời yên biển lặng, cầu đi lộng đi khơi được nhiều tôm cá và cầu sự chở che của “đức Ông cá voi”. 

Quay trở lại với đời thực của những ngư dân, lão Minh cho rằng ngư dân Cẩm Nhượng ai cũng có sức vóc, có những anh ngực to như mâm, ăn khoẻ, uống rượu khoẻ. Những lúc ngụp lặn khi lưới bị gặp chướng ngại vật họ uống cả chai nước mắm đặc. Vui nhất mùa hè đi biển, dù ra khơi hay vào lộng đều được tận hưởng gió nồm nam mát rười rượi. Trong đêm trăng mênh mông, những câu chuyện tiếu lâm, những câu hò của các ngư dân trên đội thuyền mênh mang sóng nước. Được mẻ lưới lớn cùng nhau reo hò và chọn con cá to nhất, ngon nhất làm mồi nhắm. Đêm càng về sâu biển càng đẹp, những ngọn đèn đánh cá rực sáng như đêm hội hoa đăng. 

Nghề đi biển vất vả nhất là mùa đông, bởi thời tiết không mấy thuận lợi nên việc khai thác luồng cá đi khó khăn hơn. Có những lúc đi khơi năm đến bảy ngày thuyền ngốn không biết bao nhiêu lít xăng dầu, thế nhưng mẻ cá không đủ bù đắp chi phí. Cực nhất là 1 giờ sáng, khi xóm làng đang chìm trong giấc ngủ thì những ngư dân Cẩm Nhượng đã lục tục dậy. Họ đến các tổ hợp sản xuất đá lạnh để bốc các “cây đá” xuống thuyền. Dầu có đeo găng tay dày đi chăng nữa, vận chuyển hàng chục cây đá xuống khoang thuyền cũng lạnh cóng chân tay. 

Lão Minh ở thôn Xuân Nam, hiện nay có 40 người chuyên nghề chài lưới với 7 chiếc thuyền gỗ, 2 chiếc thuyền nan. Các con thuyền đánh cá ở đây đều công suất nhỏ loại 15 CV tải điện và 24 CV thuỷ điện. Do công suất nhỏ nên các đội thuyền thôn Xuân Nam chỉ đánh bắt trong phạm vi 25-30 hải lý. Các loại hải sản thường khai thác là cá nục, cá đổng, mục nang, mực ống. Ngư dân quen thuộc với “đi mành” và “câu khơi”. Nghề “đi mành” và “câu khơi” rộ nhất từ tháng 2 đến tháng 7 (âm lịch). 

Đội thuyền mành khá nhất thôn Xuân Nam hiện nay là anh Nguyễn Tâm Vinh và Nguyễn Tiến Huy. Mỗi đội thuyền có 7 người, bình quân mỗi thuyền viên thu hoạch trong vụ cá nam khoảng 30 triệu đến 35 triệu đồng, riêng chủ thuyền hưởng lợi gấp 3-4 lần so với thuyền viên. Còn đội thuyền anh Dương Văn Thành chuyên nghề kéo dạ ván, tháng tư năm ngoái, mỗi thuyền viên của anh Thành  thu nhập hơn 30 triệu đồng.  

Đến chuyện làm ăn các đội bạn 

Từ chuyện làm ăn của ngư dân Cẩm Nhượng, tôi nêu câu hỏi vì sao làng Cẩm Nhượng có nghề cá hàng thế kỷ nhưng đến bây giờ vẫn đang còn ở mức làm ăn nhỏ? Tại sao chưa có những đội thuyền đánh bắt xa bờ với phương tiện hiện đại?

Giải thích vấn đề này ông Phó chủ tịch UBND xã Trần Hải Dương nói: “Muốn vươn ra khơi xa bây giờ phải nhìn vào lớp trẻ, nhưng xã Cẩm Nhượng hiện nay số thanh niên trẻ ở lại làng rất ít. Cẩm Nhượng là xã đứng thứ 2 trong tỉnh về số lượng người đi lao động ở nước ngoài. Hiện tại toàn xã có tới 738 người lao động trên 26 nước. Số trẻ học hành thành đạt và làm ăn giỏi trong nước cũng không ít nhưng các em rất không muốn làm nghề đánh cá. Các ngư dân còn lại trong địa phương hầu hết là những người trung niên và cao tuổi. Do vậy tính năng động, táo bạo trong phong cách làm ăn mới rất hạn chế”. 

Anh Dương cũng cho biết thêm “Ngư trường khai thác bây giờ khó khăn hơn những thập kỷ trước nhiều. Giá xăng dầu lại tăng cao, vay tiền ngân hàng với lãi suất cao thì dân đâu có dám. Bởi vì nhà cửa tài sản ngư dân dầu có thế chấp cũng không làm sao trả được lãi ngân hàng. Dân muốn ăn no, ngủ yên thì cứ việc làm ăn theo “quy mô nhỏ”. 

Tiếng là làm ăn “quy mô nhỏ” nhưng so với những thập kỷ trước, phương tiện đánh bắt các đội thuyền đã đổi mới nhiều. Toàn xã có 146 tàu thuyền với 820 lao động (trong đó có 5 thuyền công suất 60CV). Một số tàu thuyền được đóng mới và một số thuyền cũ họ mua lại của ngư dân Phú Yên, Quảng Bình về sửa lại. Tàu cũ, nhưng giá trị mỗi chiếc cũng lên tới 400 - 500 triệu đồng. 

Từ khi có chính sách hỗ trợ cho ngư dân theo chương trình nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh với mức 30 triệu đồng/thuyền, ngư dân Cẩm Nhượng như được tiếp thêm sức gió mới. Trong các đội tàu thuyền  đánh cá Cẩm Nhượng có 5 đội thuyền làm ăn khấm khá hơn cả. Từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2012, bình quân mỗi lao động trên các thuyền này thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Riêng đội thuyền của anh Lê Xuân Tiến từ ngày áp dụng đánh bắt cá bằng lưới vây bao giờ cũng “hên”. Vào dịp tháng ba năm nay, trong một ngày đánh bắt cá, thuyền của anh đã khai thác được hơn 10 tấn, bán được hơn 150 triệu đồng. 

Tôi theo chân một cán bộ xã, tới thăm tổ hợp đánh cá Thành Tâm, tổ trưởng tổ hợp là chủ thuyền Nguyễn Huy Hoàng (thôn Lâm Hoãn). Ông Hoàng năm nay trạc 50 tuổi, nước da bánh mật, đôi mắt trầm tư chứa nhiều nỗi bể dâu. Ông Hoàng ít nói nhưng là người tốt bụng và thương anh em thuyền viên. Chiếc thuyền ông Hoàng đang sử dụng có công suất 60 CV với lực lượng thuyền viên 4 người. Mỗi thuyền viên thu nhập 35 triệu đồng/năm, còn chủ thuyền 100 triệu đồng/năm. 

Một điều ông Hoàng khá tâm đắc khi nhà nước chủ trương xây dựng Nông thôn mới gắn với quốc phòng và an ninh biển đảo, cấp uỷ và chính quyền địa phương xã Cẩm Nhượng đã “tiên phong” làm tốt công tác này. Cả xã thành lập 17 tổ hợp sản xuất nghề cá trên biển, mỗi tổ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Các tổ vừa giúp nhau phát triển kinh tế vừa có nhiệm vụ phòng chống tai nạn, cứu hộ, cứu nạn. Mọi phương tiện về thông tin và các phương tiện bảo vệ đều được trang bị đầy đủ. 

Tôi hỏi ông Hoàng: “Biển rộng và sâu thế làm sao biết được luồng cá đi”. Ông Hoàng đáp: “Muốn dò được chỗ chúng đang tụ đàn đông đúc phải có kinh nghiệm nhìn màu nước, thời tiết và tuần trăng…”.  Rồi ông Hoàng nói thêm: “Kinh nghiệm đánh bắt thì nhiều người biết nhưng bây giờ cũng đang xảy ra hiện tượng “cá ít, người khai thác đông”. Tuy chưa bao giờ gặp các tàu lạ đến gây hấn, nhưng nạn các tàu thuyền người mình tìm cách phá của ngư dân mình thì nhiều. Nạn ném mìn, xung điện để huỷ hoại ngư trường vẫn chưa thuyên giảm. Vào dịp tháng 1 năm 2013 chính tàu của bọn tôi đã bắt quả tang một chiếc tàu đánh cá của nhóm ngư dân Quảng Bình, đang sử dụng đánh bắt bằng hình thức xung điện. Lập tức chúng tôi báo cho bộ đội biên phòng ra kiểm tra và xử lý”.

Dịch vụ trên bờ  

Xã Cẩm Nhượng hiện có 11 thôn với 2.565 hộ gia đình, trong đó hơn 70% làm nghề đánh cá. Từ xưa làng Cẩm Nhượng quen thuộc với kỹ thuật nướng cá, rộ  nhất về mùa đông. Các bà vợ của ngư dân chong đèn thức thâu đêm nướng cá, nhà nào cũng chất đầy than hoa, bếp lửa hồng đỏ rực. Những lúc ấy cả làng sực nức mùi thơm cá nướng. Cá bày lên mẹt, cá sắp vào rổ, đủ các loại trích, nục, thu, ngừ... Rồi đến tảng sáng những con cá nướng lại theo các mẹ, các chị có mặt khắp các chợ phiên trong tỉnh. Bất cứ mặt hàng nào cũng vậy, sản phẩm làm ra “cung” phải gắn liền với “cầu”. 
Một cơ sở nước mắm tại xã Cẩm Nhượng. Ảnh: Nam Giang

Nhờ có trình độ trong chế biến các loại hải sản như cá, tôm, mực, nước mắm, ruốc nên những sản phẩm dịch vụ trên bờ của những người dân Cẩm Nhượng chưa bao giờ bị khách hàng chê. Từ ngày Hà Tĩnh quy hoạch và xây dựng Khu nghỉ mát du lịch Thiên Cầm thì hàng hải sản làng biển Cẩm Nhượng lại thêm hấp dẫn. Loại nước mắm ngon đặc biệt, dân địa phương hay gọi “nước mắm lù” trong cơ chế thị trường này vẫn không bị mai một.

Người Cẩm Nhượng luôn quan niệm rằng: “Trong kinh doanh phải có đạo đức, nếu ham lợi nhuận đưa hoá chất độc hại pha vào sản phẩm để bán cho khách hàng, vừa mất đi “chữ tín” vừa có tội lớn với người”. Đó là lời bộc bạch chân thành của chị Hồ Thị Thu khi chúng tôi đến thăm cơ cở sản xuất của chị. Bây giờ chị là chủ nhiệm Hợp tác xã chế biến hải sản Thu Hùng. 

Từ một cô gái làng biển chuyên quảy gánh bán cá nhỏ, 23 tuổi lấy chồng, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Người nữ chủ nhiệm đầy tháo vát đã trưởng thành qua cọ xát  thực tiễn và lĩnh hội thêm kiến thức từ các đợt tập huấn do hội phụ nữ tỉnh tổ chức. Nhờ làm ăn có tính toán, nên những đồng vốn vay mượn hỗ trợ cho chương trình  khuyến ngư với lãi  suất thấp đều phát huy  hiệu quả. Vay rồi trả, trả lại vay. 

Bây giờ  hợp xã của chị Thu đã xây dựng được 120 bể chứa, mỗi bể chứa từ 4,5 tạ - 5 tạ cá. Với 7 lao động nữ, mỗi năm cơ sở chế biến của chị đã sản xuất và tiêu thụ hơn 10.000 lít nước mắm. Ngoài nước mắm, xưởng còn chế biến mắm tôm, mắm chua, tôm, mực một nắng. Sản phẩm bày ra trên quầy hay nằm trong kho lạnh đều được đóng hộp và nhãn mác thanh lịch. Tổng cộng mặt hàng hải sản của hợp tác xã “nhân lực” ít này mỗi năm đạt doanh số hơn 10 tỉ đồng.

Khi chúng tôi rời cơ sở chế biến hải  sản chị Thu, trời đã bắt đầu nhá nhem tối  nhưng  không khí làm việc của họ vẫn đang tất bật. Tiếng điện thoại di động gọi tới tấp, chắc những con tàu đánh cá lại về.
Theo Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 619


Hôm nayHôm nay : 33061

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1424083

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 74471054