Sản phẩm mật ong Vũ Quang những năm qua đã có chỗ đứng khá vững chắc trong lòng người tiêu dùng, thứ nhất là do ong được nuôi tự nhiên, thu hoạch và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật. Thứ nữa là, thương hiệu mật ong Vũ Quang đã được Cục Đo lường chất lượng kiểm nghiệm và cấp đăng ký nhãn mác. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của người nuôi ong ở Vũ Quang hiện nay là các HTX nuôi ong chưa có hệ thống thiết bị hiện đại để hỗ trợ quá trình chế biến sản phẩm, trong đó việc đầu tư máy đo thuỷ phần trong mật là rất cần thiết trong điều kiện sản lượng mật ong đang không ngừng tăng cao.
Hiện nay, huyện Vũ Quang đã có trên 1.000 hộ tham gia nuôi ong với số lượng gần 5.000 đàn; sản lượng mật đạt 40 tấn/năm. Ngoài ra các hộ còn nhân đàn và bán ra hàng ngàn đàn ong giống. Tổng thu nhập đạt hàng trăm tỷ đồng. Nghề nuôi ong ở Vũ Quang đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành sản phẩm hàng hoá chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện đàn ong đang được nhân đàn với tốc độ nhanh, kéo theo lượng mật dồi dào thì điều trăn trở của lãnh đạo địa phương hiện nay vẫn là vấn đề xây dựng thương hiệu cho mật ong Vũ Quang và tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Để thực hiện thành công Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương đều cần phải lựa chọn, hình thành và phát triển được các mô hình sản xuất, tạo ra được sản phẩm hàng hoá chủ lực. Nghề nuôi ong ở Vũ Quang, với tiềm năng và thế mạnh riêng, xứng đáng để địa phương xây dựng thành sản phẩm chủ lực và phát triển trên quy mô lớn bằng những hướng phát triển phù hợp, hệ thống chính sách khuyến khích thoả đáng; từng bước khẳng định thương hiệu Mật ong Vũ Quang trên thị trường.
Theo khoahocphattrien.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn