Vào thời gian này, nếu ai có dịp đi ngang qua xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, thì sẽ được tận mắt chứng kiến không khí sôi động, khẩn trương và cũng hết sức vui tươi của người dân nơi đây bước vào vụ làm mật mía. Các lò mật đã bắt đầu đỏ lửa. Mùi hương ngọt ngào cùng với tấm chân tình của người dân nơi đây sẽ làm ấm long tất cả những ai yêu mến và tin dùng sản phẩm mật mía Sơn Thọ.
6 giờ sáng, trên cánh đồng mía xã Sơn Thọ đã tấp nập người qua lại. Người chặt cây, người gom gánh và người lái xe về nhà . Không khí sôi động, nhộn nhịp khác ngày thường. Mỗi người mỗi việc nhưng tất cả đều nhằm mục đích là đưa sản phẩm thô về để chế biến thành mật. Dường như sự vất vả, khó nhọc của nghề làm mía không làm cho người dân nơi đây cảm thấy bận lòng. Mà ngược lại, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng, giá bán cao đã làm cho người dân nơi đây càng thêm gắn bó với nghề truyền thống này.
Quá trình ép mía thành nước
Qua thời gian, một số nghề thủ công ở nhiều vùng quê đang dần bị mai một, vậy nhưng làm mật mía ở xã Sơn Thọ vẫn được duy trì và phát triển không ngừng. Nghề làm mật mía rất vất vả, khó nhọc. Nhưng bù lại, đây là nghề thủ công, tranh thủ được mọi thời gian trong ngày. Dù thời tiết mưa hay nắng thì người ta vẫn sắp xếp để có thể chế biến sản phẩm. Quy trình sản xuất ra mật mía cũng qua nhiều công đoan. Để chế biến được một kg mật là cả quá trình phức tạp và tốn nhiều công sức. Công đoạn vất vả nhất là ép mía. Sau khi thu hoạch cây ở ngoài cánh đồng, người ta sẽ đưa mía về khu chế biến. Ngắt ra từng đoạn, có độ dài phù hợp. Sau đó sẽ ép lấy nước. Ngoài dùng sức người, bà con còn phải dùng trâu, bò để kéo trục quay ép mía lấy nước. Công đoạn này rất vất vả, người làm phải nhanh tay, nhanh mắt. Lúc này cũng rất vui vì âm thanh rộn rã của tiếng kéo làm cho lòng người thêm rạo rực, quên hết sự mệt mỏi trong người.
Công đoạn đun, nấu rất quan trọng để có mẻ mật thơm ngon
Ông Nguyễn Thế Hà – Thôn 3 xã Sơn Thọ vui vẻ bên lò mật đang đun nấu cho biết: “Việc nấu thành phẩm cũng là một quá trình phức tạp yêu cầu người nấu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể cho ra những mẻ mật thơm ngon. Sau khi ép được nước mía ra là công đoạn chuẩn bị lò, củi để nấu. Để có một chảo mật như thế này, người ta phải dung đến 100 lít nước mía . Sau khi đun sôi, tất cả cặn bã sẽ nổi lên phía trên. Lúc này người nấu phải dùng một cái vợt, nhanh tay vớt hết ra ngoài. Nếu không thì sẽ bị tràn ra bếp. Sau khi vớt sạch bọt, bã, người ta sẽ cho nước mía này vào một cái thùng lớn để lọc lấy nước sạch. Sau đó tiếp tục đun nấu. Quá trình nấu mật mía quan trọng nhất là giữ lửa trong lò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều, mật dễ bị cháy, lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu. Công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian và công sức nhất. Ở công đoạn này, yêu cầu người nấu phải luôn đảo liên tục và đều tay. Khi bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt, làm mật bị trào thì mật sẽ có màu đen, mật kém thơm ngon. Khi nước mía chuyển sang sền sệt và có màu đỏ thì công đoạn chế biến mật coi như đã hoàn tất. Quá trình này kéo dài từ 4 – 5 tiếng”
Vào những ngày nấu mật này, khách đến chơi sẽ được chủ nhà mời uống một loại nước hổn hợp rất thơm ngon. Đó là nước chè xanh pha với mật mía. Nhà nào cũng chuẩn bị một ấm nước chè xanh, chờ cho nước mía thành phẩm là có thể hòa lẫn với nhau để uống. Nhiều người còn pha them vị chua của chanh. Vị chan chát của chè, vị chua của chanh kết hợp với mật mía tạo nên một hương vị vô cùng thơm ngon. Theo những cụ cao niên trong xã Sơn Thọ, nghề làm mật mía có cách đây khoảng 50 năm. Đây là mảnh đất do cư dân ở huyện Đức Thọ lên định cư rồi mang theo nghề. Từ đó đến nay, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, nghề làm mật trở thành một nghề không thể thiếu đối với bà con mỗi dịp Tết đến xuân về.
Trao đổi với chúng tôi Ông Nguyễn Khắc Hội – Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ - Vũ Quang cho biết: “Hàng năm, cứ bắt đầu từ tháng 11 âm lịch cho đến tận tháng 2 năm sau, mùa ép mật ở những vùng này lại bắt đầu. Ở đây cây mía phát triển rất tốt, cây chắc, ngọt lịm, độ đường rất cao. Những năm trước, diện tích trồng mía của xã tương đối nhiều. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, do quy hoạch cụm công nghiệp, nên diện tích trồng mía của xã bị thu hẹp lại. năm 2015, toàn xã Sơn Thọ có hơn 200 hộ trồng 25 ha mía, tương đương với 2.000 tấn mía tươi. Sau khi chế biến sẽ có 200 tấn mật thành phẩm. Giá bán một cân mật mía khoảng 20 đến 25 nghìn đồng. Nhờ làm mật mía nên đời sống của nhiều gia đình nơi đây đã khấm khá so với những vùng khác trong huyện. Có những gia đình trừ chi phí, có thể thu lại lãi 20 - 40 triệu đồng cho mỗi vụ. Nghề làm mật mía cũng rất thú vị. Vì sẽ tận dụng hết tất cả. Sau khi lấy hết phần thân, người ta sẽ trừ lại phần ngọn để tiếp tục trồng cho vụ sau. Các phụ phẩm từ cây mía được người dân tận dụng làm nguồn thức ăn cho trâu bò trong những ngày mùa đông giá rét. Rất thơm ngon bổ dưỡng”.
Mật mía Sơn Thọ hương vị thơm ngon và được thị trường nhiều nơi ưa chuộng. Thương lái đến tận các hộ gia đình để thu mua và đem đi tiêu thụ khắp mọi nơi. Sản phẩm mật mía Sơn Thọ chủ yếu được dung để chế biến kẹo và làm gia vị cho một số món ăn của người dân miền Trung. Vào những ngày này ai đến làng nấu mật mía Sơn Thọ đều cảm nhận được một vị thơm ngọt lẫn trong cái gió heo may lành lạnh như báo hiệu một cái tết nữa đang đến gần.
Bích Hường
Đài Vũ Quang