Nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp từ thực tiễn mang lại hiệu quả, có sức lan tỏa, giúp bà con dân tộc thiểu số ở vùng thôn, bản đặc biệt khó khăn vươn lên khấm khá, cùng xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh kinh tế còn bộn bề khó khăn.
Con đường no ấm về xóm bản Tiết trời giá lạnh cuối năm dường như bao phủ hết đường thôn, ngõ bản dọc tuyến đường từ thị xã Bắc Cạn lên trung tâm huyện Bạch Thông. Vượt qua chiếc cầu treo chênh vênh trên con suối lớn mùa cạn nước, chúng tôi về thăm thôn Phiêng An 2, xã Quang Thuận. Ðây là thôn tái định cư của đồng bào dân tộc Dao, thuộc xã Quang Thuận vùng miền núi phía tây nam huyện lỵ nằm dọc theo trục đường 257 Bắc Cạn - Chợ Ðồn và sông Cầu.
Bên con đường bê-tông vào bản rợp bóng vườn ổi lủng lỉu chùm quả xen lẫn tán quýt, cam xanh rờn, bạt ngàn quả chín vào vụ thu hoạch. Cán bộ và người dân nơi đây đều bày tỏ vui mừng sau 20 năm định cư ổn định tại nơi ở mới, cuộc sống của bà con từng bước vượt đói nghèo, vươn lên khấm khá. Các công trình điện, đường, trường, trạm đã về tận thôn, bản. Xã Quang Thuận hiện nay không còn hộ đói, giảm hộ nghèo, với mức thu nhập bình quân hằng năm từ 13 triệu đến 14 triệu đồng/nhân khẩu.
Dịp cuối năm, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thuận Hà Minh Khoa cho biết: Từ nguồn lực Chương trình 135, xóm bản được mở mang, bà con đi lại thuận lợi sau khi hoàn thành một số cầu treo bắc qua sông. Nay về cơ bản đã hết cảnh bà con nhiều xóm bản bị biệt lập trong mùa mưa lũ, các cháu nhỏ phải nghỉ học do thời tiết thất thường. Ðược biết, từ khi cầu treo xây dựng xong, phong trào mở đường vào các khu phát triển kinh tế được nhân dân hưởng ứng. Ngoài thôn Phiêng An 2, hầu hết các tuyến đường vào khu kinh tế như Khu kinh tế Boóc Khún, Nà Thoi, Nà Hin, Phiêng An 1, Khuổi Piểu... đã được người dân đầu tư công sức xây dựng đường bê-tông ở những trục chính, sau đó mở tiếp những tuyến đường để người dân chuyên chở hàng hóa. Ðặc biệt, ở thôn Phiêng An 1, thôn Khuổi Piểu, người dân đã huy động mỗi hộ đóng góp xi-măng và công lao động mở đường dài gần 1,5 km, rộng 2 m. Góp công, góp sức qua từng năm, sau hơn năm năm, đến nay tuyến đường liên thôn đã kéo dài tới các khu vườn đồi trồng cây ăn quả, khu đồi chè và cây lâm nghiệp.
Gần 2.000 bà con sáu dân tộc anh em tại 12 thôn, bản cùng sinh sống trong xã luôn đoàn kết một lòng để chung sức xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Liên tục nhiều năm nay, Quang Thuận đã phát huy lợi thế của vùng đất truyền thống trồng cam, quýt theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn xã đã có 800 ha diện tích cây ăn quả, trong đó có gần 450 ha cam, quýt. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.
Theo số liệu thống kê, năm 1995, cả xã có tới 50% số hộ nghèo. Ðến năm 2005, xã vươn lên thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, và hiện nay chỉ còn khoảng 7,8% số hộ nghèo, không còn hộ đói, nhiều hộ khá và giàu nhờ trồng cam, quýt. Ước tính có 10% số hộ có mức thu nhập mỗi năm từ 250 triệu đồng trở lên; hơn 20% số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, còn lại phần lớn là thu nhập hằng năm hơn 30 triệu đồng. Năm 2012, chỉ riêng diện tích trồng quýt, xã Quang Thuận thu hoạch được hơn 2.000 tấn... Ông Hoàng Văn Diện, một người dân ở đây cho biết: Trước đây việc đi lại vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, nông sản thường bị ép giá. Mấy năm nay đường sá đi lại thuận tiện, vào mùa thu hoạch tư thương có thể đến tận vườn, nên cam, quýt được giá hơn.
Từ nhiều năm nay, Quang Thuận được ghi nhận là một trong những xã dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Lãnh đạo xã Quang Thuận cho biết, xã đã xây dựng mô hình "Vườn cây tình nghĩa" cho hội viên nông dân nghèo. Hội viên nông dân nhiều thôn đóng góp cây giống hoặc cho hội viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn không tính lãi.
Niềm vui bản triệu phú Ðến xứ Lạng dịp cuối năm, mây mù giăng giăng trên khắp các khu rừng bao quanh dãy núi đá vôi sừng sững, chúng tôi về thăm bản Cốc Lĩnh, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Bản nhỏ chỉ có 17 hộ dân, số nhân khẩu chưa đến 100 người, chủ yếu là bà con dân tộc Tày, Nùng. Ðời sống bà con các dân tộc nơi đây dựa vào cây lúa, cây ngô và tập trung trồng các loại cây ăn quả đặc sản như hồng khuyên, quýt, hồi... với tổng diện tích hơn 20 ha. Trưởng bản Cốc Lĩnh Lăng Văn Hùng vui mừng cho biết: Kết thúc mùa vụ năm nay, bản được mùa, được giá, ước tính tổng sản lượng thu hoạch từ cây hồng, quýt, hồi, trám... lên tới hơn 100 tấn, bà con thu về hơn hai tỷ đồng, có 11/17 hộ thu nhập từ 150 triệu đến 250 triệu đồng/năm.
Qua trao đổi, ông Hoàng Văn Bình, 68 tuổi, dân tộc Nùng, phấn khởi khoe, năm nay gia đình trúng mùa lớn. Nhà có ba ha vườn cây ăn quả, trong đó có hơn một nghìn cây hồng khuyên, cho thu gần tám tấn quả. Ông nói, với giá bán 20 nghìn đồng/kg, tư thương về tận nhà lấy, hoặc nếu dân chở ra thị trấn Ðồng Ðăng bán, cuối vụ giá hồng tăng lên đến 30 - 40 nghìn đồng/kg. Tổng thu cả năm từ vườn rừng đạt hơn 250 triệu đồng, gia đình có điều kiện đầu tư cho con cái học hành. Còn hộ anh Hoàng Văn Ðức, 42 tuổi, một hội viên nông dân khác ở bản Cốc Lĩnh, cho biết cụ thể hơn: Cây hồng khuyên không hạt, chỉ trồng từ ba đến sáu năm là cho quả, mỗi cây trung bình cho thu quả từ 20 đến 80 kg/cây, cây cho thu hoạch lâu năm, có cây đến 100 tuổi. Năm nay riêng chỉ thu từ tiền bán hồng, trừ mọi chi phí lãi hơn 80 triệu đồng. Hiện gia đình đang tiếp tục thu hoạch quýt, ước tính thu khoảng bốn tấn quả, bán thu về gần hai trăm triệu đồng.
Ðề cập các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả vừa qua ngay tại vùng đất xa xôi, còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí Hoàng Văn Cao, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, cho rằng: Mô hình trồng hồng khuyên, quýt, hồi,... được bà con trong bản Cốc Lĩnh và nhiều xã khác học tập kinh nghiệm, phát triển mạnh về quy mô trong gần 10 năm nay. Là xã giáp biên giới, những năm 2000 trở về trước, bà con còn phải sang bên kia biên giới làm thuê. Nay nhờ phát triển cây ăn quả, bà con đã có cuộc sống khá giả, cả bản không còn hộ nghèo, nhiều nhà được xây dựng kiên cố. Nhiều thôn, bản trong xã Tân Mỹ đang tích cực mở rộng diện tích trồng hồng, quýt, hồi... nâng tổng diện tích trồng cây ăn quả lên tới 400 ha, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm ăn khấm khá ở xã vùng biên.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như các xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông (Bắc Cạn); xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đã thật sự giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Ðạt được kết quả đó là do thời gian qua, các cấp, các ngành từ cơ sở đã vào cuộc rốt ráo, tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, vấn đề xây dựng được các mô hình sản xuất tốt có sức lan tỏa, nhân rộng, sẽ góp phần tích cực làm cho diện mạo nông thôn từng bước khởi sắc, tạo đà xây dựng nông thôn mới tại xã, huyện vùng đặc biệt khó khăn, có đông bà con dân tộc thiểu số.
Như vậy, mỗi con đường ngõ xóm, thôn, bản ở Quang Thuận, Tân Mỹ thêm khang trang, mỗi sản phẩm của bà con vùng khó được định hình trên thị trường, là minh chứng rõ nét của sự đồng thuận, chung sức, chung lòng trong cách nghĩ, cách làm của mỗi cán bộ, người dân. Thời gian tới, với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, bằng sự sáng tạo, chủ động trong quá trình phát triển sản xuất, bà con các dân tộc thiểu số nhiều xóm bản đoàn kết, chung tay góp sức phấn đấu xây dựng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa ngày thêm trù phú.
Theo nhandan.com