Đại diện Ban CHQS thành phố Quảng Ngãi trao bò giống cho gia đình anh Bùi Văn Ngọc ở tổ 3, phường Nghĩa Lộ. |
“Đập nước Bộ đội Cụ Hồ”!
Giờ đây, đến xã Sơn Hạ, hỏi bất kỳ giáo dân nào, họ đều say sưa kể và thể hiện sự tin yêu, biết ơn cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh: “Con đập nước này là của Bộ đội Cụ Hồ cho đấy!”; “Các chú ấy đã mang no ấm về thôn ta!”…
Thượng tá Lê Trung Phúc, Trưởng ban Dân vận Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi tâm sự: “Trước đây, việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị và phát triển kinh tế thôn Trường Khai khá khó khăn, vì phần lớn là bà con giáo dân. Mấy năm liền, chính quyền vận động bà con ngăn suối đắp đập nhưng không nhận được sự ủng hộ. Đời sống bà con tiếp tục khó khăn vì đồng đất khô hạn, nứt nẻ, cây cối héo hon vì thiếu nước. Trước tình hình đó, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo Ban CHQS huyện Sơn Hà tăng cường bám địa bàn, thực hiện “3 cùng” với nhân dân. Tổ công tác “đặc biệt” do Thiếu tá Phạm Văn Khen phụ trách đã chủ động “tiếp cận” với Già làng Đinh Văn Cô và Trưởng bản Kinh Văn Cừi nhờ giúp sức. Với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, các anh cứ rỉ rả, gần gũi tuyên truyền vận động, cuối cùng bà con giáo dân đã “ưng cái bụng, sáng cái đầu”.
Sau khi Ban CHQS huyện vận động được bà con giáo dân thuận tình hưởng ứng, Bộ CHQS điều động 50 cán bộ, chiến sĩ hai đại đội Thông tin và Trinh sát hành quân dã ngoại lên xã Sơn Hạ, vừa huấn luyện vừa giúp bà con giáo dân thôn Trường Khai ngăn suối, đắp đập. Được Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ kinh phí mua bao cát, sắt thép, xi măng và nhân dân tự nguyện đóng góp gỗ lạt, tre nứa, song mây, 50 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm nhân công là thanh niên và bà con giáo dân “chạy đua” với thời gian để thi công. Sau gần một tháng làm việc với tinh thần khẩn trương, bộ đội và nhân dân xã Sơn Hạ đã hoàn thành con đập, bảo đảm đủ tưới tiêu cho cánh đồng Trường Khai với diện tích gần 20ha…
Có mặt trong lễ khánh thành đập nước, ông Đinh Văn Dép, Bí thư Huyện ủy Sơn Hà cảm động nói: “Nhờ có đập nước của Bộ đội Cụ Hồ mà bà con giáo dân Trường Khai ta hết nghèo. Từ nay, mọi người yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Tôi mong bà con phát huy tinh thần đoàn kết lương, giáo, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước!…”.
Những món quà nặng nghĩa tình
Ngày gia đình anh Bùi Văn Ngọc, tổ 3, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi, nhận con bò giống do Ban CHQS thành phố trao tặng, bà con xóm giềng đến rất đông để chia sẻ niềm vui.
Ai cũng mừng cho gia đình anh Ngọc, bởi mấy năm nay vợ anh đau ốm liên miên. Căn nhà cấp bốn xập xệ càng trở nên chật chội khi lần lượt 7 đứa con nối nhau ra đời. Vợ chồng anh chạy vạy, làm thuê, làm mướn khắp nơi mà vẫn không đủ ăn chứ nói gì tới chuyện có tiền mua bò giống. Trước hoàn cảnh khó khăn như vậy, Trung tá Trịnh Công Sơn, Chính trị viên Ban CHQS thành phố Quảng Ngãi đã đề xuất đơn vị hỗ trợ giúp đỡ. Sau khi trao đổi, bàn bạc, thống nhất, đơn vị đã trích 12,5 triệu đồng mua bò giống tặng gia đình anh Ngọc. Món quà tuy chưa phải lớn về vật chất, nhưng giờ đây gia đình anh Ngọc đã có thêm niềm hy vọng thoát nghèo. Rồi đây con bò giống sẽ sinh sản, vợ chồng anh có chút vốn liếng làm ăn.
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS thành phố Quảng Ngãi luôn quan tâm tới công tác an sinh xã hội. Năm 2012, đơn vị cũng đã tặng một con bò giống trị giá 14 triệu đồng giúp gia đình ông Cao Văn Liệu ở xã Nghĩa Dũng (thành phố Quảng Ngãi); xây dựng 2 nhà tình nghĩa trị giá 45 triệu đồng tặng gia đình dự bị động viên có hoàn cảnh khó khăn; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng 250 suất quà (mỗi suất 300.000 đồng) cho nhân dân thôn Làng Vố, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà…
Đại tá Võ Văn Hưng - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Muốn xây dựng nông thôn mới thì phải phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị vào cuộc; trong đó, lực lượng quân đội tham gia phải kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay, góp sức, thì hiệu quả mới thiết thực và bền vững!”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đã cụ thể hóa chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” của Tư lệnh Quân khu 5 một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo làm thí điểm ở các huyện Ba Tơ, Minh Long, Lý Sơn, Trà Bồng, Sơn Tịnh. Tùy vào điều kiện thực tế ở từng địa phương, từng gia đình mà triển khai hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, như ở Ban CHQS huyện Sơn Tịnh thì mua máy băm đất tặng hộ nghèo. Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ kinh phí và ngày công bộ đội ngăn suối, đắp đập dẫn nước về ruộng. Các địa phương khác thì hỗ trợ về vốn, cây giống, con giống và kỹ thuật nuôi, trồng. Huyện đảo Lý Sơn không có điều kiện hỗ trợ bằng vật chất, thì Ban CHQS huyện trực tiếp tham mưu để Ngân hàng NN&PTNT cho nhân dân vay vốn không tính lãi… Với cách làm cụ thể, sát thực tế, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu giúp các hộ gia đình thoát nghèo bền vững, góp phần thiết thực vào phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới".
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn