Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH VN khẳng định, việc thực hiện QĐ15 sẽ góp phần đảm bảo hiệu quả bền vững hơn chính sách an sinh xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn...
Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, QĐ 15 của Thủ tướng Chính phủ đáp ứng được sự mong mỏi từ người hưởng thụ đến các cơ quan tổ chức thực hiện, đảm bảo hơn cho giảm nghèo bền vững…
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH VN |
Thưa ông, tới đây Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ cận ngheo như thế nào?
- Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 1,5 triệu hộ cận nghèo. Trong số 1,5 triệu hộ này hiện có 0,8 triệu hộ đã thoát nghèo nhưng đang còn dư nợ chương trình hộ nghèo với tổng dư nợ khoảng 11.000 tỷ đồng. 0,7 triệu hộ còn lại đã thoát nghèo và hiện gần như chưa được tiếp cận với vốn ưu đãi. Với số hộ đang còn dư nợ thì vẫn tiếp tục sử dụng vốn, khi đến kỳ hạn trả nợ được chuyển sang cho vay đối với tín dụng hộ cận nghèo. Ngân hàng CSXH sẽ thu hồi vốn vay tới hạn từ những hộ nghèo đã thoát nghèo để chuyển sang cho vay đối với 0,7 triệu hộ cận nghèo.
Dự kiến nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo trong năm nay khoảng 10.800 tỷ đồng, trong đó có khoảng 8.000 tỷ đồng thu được từ vốn tới hạn trả của hộ nghèo đã thoát nghèo. Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng CSXH sẽ cho vay mới khoảng 3.000 tỷ đồng đối với hộ cận nghèo. Từ năm 2014, ngân hàng sẽ xây dựng kế hoạch vốn tín dụng, trong đó có tín dụng cho hộ cận nghèo để Chính phủ duyệt.
Giải ngân vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH tại xã Minh Tân, huyện Vụ Bản (Nam Định). |
Tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo có gì khác so với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thưa ông?
- Ngoại trừ lãi suất thì tín dụng cho hộ cận nghèo được hưởng toàn bộ ưu đãi của tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác như vay không thế chấp; được phục vụ thủ tục miễn phí tại địa phương; được cung cấp một số dịch vụ khác của Ngân hàng CSXH, tổ nhóm… Lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo không vượt quá 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Theo tính toán, lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo vào khoảng 10,14%/năm.
Mức lãi suất này gần tiếp cận với lãi suất thị trường (khoảng 12-15%/năm). Đưa ra mức lãi suất này, cơ quan đề xuất trù tính được 2 cái lợi. Thứ nhất, mức lãi suất làm giảm sức ép đối với người vay cũng như nguồn vốn. Hộ vay phải cân nhắc, quyết định có vay hay không, vay khi nào, có trách nhiệm cao đối với đồng vốn. Thứ hai, mức lãi suất tiệm cận lãi suất thị trường sẽ làm nản lòng những người lợi dụng chương trình…
Ông Nguyễn Văn Lý
Nhiều lần Ngân hàng CSXH khẳng định, cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi sẽ góp phần nâng cao tình đoàn kết. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Trước kia, khái niệm hộ nghèo và hộ cận nghèo mang tính định tính hơn là định lượng. Một hộ đầu tháng cận nghèo nhưng cuối tháng có thể thành hộ nghèo, trong khi đó đặc tính giữa nghèo và cận nghèo lại không khác nhau. Nhiều địa phương chạy theo thành tích muốn có tỷ lệ hộ nghèo thấp, muốn xây dựng NTM xong cho sớm nên việc đưa ra số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa chính xác.
Vì vậy, trong quá trình bình xét hộ nghèo ở các địa phương gây ra căng thẳng giữa nội bộ nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan thực hiện chính sách, chính quyền. Tài sản chỉ hơn nhau 1 con chó, nhưng hộ này được vay hộ kia thì không. QĐ15 của Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần khắc phục được tình trạng này…
Thưa ông, dự báo lãi suất huy động thị trường sẽ về 7%/năm, theo đó lãi suất cho vay sẽ ở mức từ 9-10%/năm. Khi lãi suất ưu đãi cho vay hộ cận nghèo cao hơn lãi suất thị trường thì giải quyết thế nào?
- Trong chiến lược phát triển của Ngân hàng CSXH đã được phê duyệt thì tín dụng chính sách giảm dần về ưu đãi lãi suất, tăng ưu đãi về cách thức phục vụ. Lãi suất ưu đãi không thấp quá mà tiệm cận lãi suất thị trường cùng loại. Trong trường hợp lãi suất ưu đãi cao hơn lãi suất thị trường cùng loại thì các cơ quan liên quan có trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp…
Xin cảm ơn ông!
Phương Đông (thực hiện)
Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn